Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là hình thức bảo hiểm mới với nhiều ưu việt, giúp đối tượng lao động tự do, người dân khu vực nông thôn... khi tham gia sẽ giảm bớt khó khăn, rủi ro lúc về già hay mất sức lao động. Đồng thời, chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về vấn đề tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ với cộng đồng và phát triển xã hội.
Người dân đua nhau mua bảo hiểm tự nguyện
BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những năm qua, tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT tại tỉnh Gia Lai không ngừng tăng; số lượt người thụ hưởng chính sách ngày càng lớn; công tác đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân luôn kịp thời, nhất là khi dịch COVID-19 tác động… Để đạt được những kết quả đó có sự đóng góp to lớn, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai nhằm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người dân đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội.
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH…tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người dân, đối tượng thụ hưởng về các chính sách, lợi ích của BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng và BHYT. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia đóng BHXH, BHYT ngày càng tăng.
Tham gia BHXH tự nguyện đã được 2 năm, bà Nguyễn Thị Duy Thiện (56 tuổi, TP Pleiku, Gia Lai) cho biết: “Tôi hiện nay đã về hưu, để có một điểm tựa khi về già, phòng khi ốm đau có BHYT chi trả, năm 2020 tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Nhận thấy những lợi ích của chính sách BHXH tôi vừa đăng ký BHXH tự nguyện cho con trai sinh năm 2000 để thời gian tham gia chính sách của con được sớm hơn”. Tuy nhiên, bà Thiện cũng cho rằng, mức đóng hiện nay theo chuẩn nghèo mới áp dụng từ năm 2022 là cao so với mặt bằng của nhiều người dân và mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm, cũng như giảm thời gian đóng hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Tương tự, ông Hoàng Thành (61 tuổi) cho biết: Ông trước công tác tại UBND phường, ông tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2004, đến năm 2019 nghỉ công tác và tổng thời gian đóng BHXH là 14 năm. Lúc mới nghỉ, ông đã có ý định sẽ rút BHXH một lần và sau 1 năm theo quy định, ông đã làm đơn xin rút BHXH một lần, tính ra số tiền được hưởng khoảng 90 triệu đồng. Tuy nhiên, cán bộ BHXH tỉnh đã tư vấn cho ông không nên rút BHXH một lần, mà chuyển sang đóng tiếp BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu.
“Được tư vấn chi tiết về từng mức đóng BHXH một lần, số tiền sẽ đóng, mức hưởng tôi đã xác định rõ về tính thiệt hơn giữa đóng tiếp và rút BHXH một lần. Được thêm vợ động viên, chia sẻ, tôi quyết định đóng tiếp ở mức 4 triệu đồng. Tôi đã được lĩnh lương hưu từ cuối năm 2021. Từ đó đến nay hàng tháng được nhận lương hưu tôi thấy yên tâm và rất thoải mái vì có một khoản thu nhập ổn định khi về già. Quan trọng hơn là tôi có cả thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh”, ông Hoàng Thành chia sẻ.
Mua sổ BHXH tự nguyện làm quà
Là người nhận thức rõ những giá trị, lợi ích mà BHXH tự nguyện, BHYT mang lại, bà Nguyễn Thị Bạch Vân (54 tuổi, ngụ phường 1, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết, bà làm nghề kinh doanh tự do, rồi tham gia công tác tại Hội phụ nữ trên địa bàn, vì thế để khi về già có lương hưu, phòng khi ốm đau có BHYT chi trả, năm 2021 bà quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Không chỉ tham gia BHXH tự nguyện cho mình, bà còn đăng ký cho con trai tham gia BHXH tự nguyện ngay khi con còn học cấp 3 với suy nghĩ giản dị mộc mạc: “Chúng tôi không có điều kiện, không có nhiều của cải để cho con cái nên đăng ký tham gia BHXH tự nguyện như món quà cho con lúc học Đại học. Sau khi con ra trường, đi làm đã có một thời gian tham gia chính sách. Đây cũng là món quà của một bà mẹ nghèo dành cho con trai, là “của để dành” tôi dành cho con của mình.”- bà Vân xúc động nói.
Theo bà Vân, tham gia BHXH tự nguyện để được lương hưu, được chăm sóc y tế sẽ giúp bà bớt phụ thuộc, trở thành gánh nặng cho con cái lúc tuổi già. Đồng thời, với tuổi già, mỗi tháng có lương hưu về tài khoản đó là niềm vui lớn có thêm một khoản để trang trải.
Mới 22 tuổi, anh Lâm Thành Phước ngụ ở Khóm 1, Khu 1, TP Trà Vinh sau khi tham gia buổi tọa đàm tại phường về chính sách BHXH tự nguyện đã lập tức đăng ký và cho rằng, bản thân làm nghề tự do nếu không biết cách tích lũy sau này sẽ khó khăn khi lớn tuổi.
“Tham gia BHXH cũng là cách tích lũy cho tương lai. Với công việc hiện tại, mỗi tháng tôi trích ra một khoản nhỏ đóng BHXH tự nguyện coi như đây là “quỹ” của bản thân để dành cho tương lai”, anh Phước cho hay.
Bình luận