Vùng bắc Nghệ An nói đến ông Tư hay Sứ thần thì ai cũng biết, bởi đám tang nào ở huyện lúa và các vùng lân cận đều có mặt ông cầm cờ tang dẫn đầu. Không những thế ông còn biết trước được người sắp chết trước mấy ngày…
Biết trước người về cõi âm
Anh Phan Tiến Phong, một người hàng xóm, tình nguyện dẫn chúng tôi đến xóm Đội Cung (xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An). Xóm này nằm bên quốc lộ 7B mang nhiều nét thời gian xưa cũ, vẫn những ngôi nhà, mái ngói thâm nâu hiền hòa, vẫn cây đa, bến nước sân đình. Điều đặc biệt nơi đây có một quần thể di tích đình chùa, miếu mạo dày đặc.
"Nhà ông Tư nằm trước cổng chùa Bảo Lâm, ngôi chùa này có niên đại hàng trăm năm, nổi tiếng linh thiêng" - Anh Phong cho biết.
Đây là ngôi nhà tình nghĩa do nhóm Yên Thành & Những người thân cùng chính quyền xã Hoa Thành xây dựng, còn ngày trước chỉ là ngôi nhà rách nát, bé tin hin.
Theo tìm hiểu thì ông Tư, tên thật là Phan Sĩ Tư, sinh năm 1942, là con thứ tư trong một gia đình nông dân đông con.
Thuở thiếu thời, ông Tư không được bình thường như những đứa trẻ khác nhưng bản tính hiền lành. Ông Tư thường vào quét sân chùa và ai sai gì làm nấy.
Nhưng đến năm 19 tuổi thì ông thường có mặt ở các đám ma trong xã, huyện và các huyện lân cận như: Diễn Châu, Đô Lương...
Điều đặc biệt nhất đó là khi ông Tư quanh quẩn ở xóm nào hay thơ thẩn trước ngõ nhà ai thì xóm đó, hoặc gia đình đó không sớm thì muộn, trong một vài ngày ắt có người chết.
Anh Phan ở xóm Chu Trạc (xã Hoa Thành) kể: “Tôi nhớ đó là năm 1990, anh Tư đi vào xóm rồi quanh quẩn trước trước cổng nhà tôi.
Anh đứng bên bờ rào hái lá râm bụt và miệng cứ rì rầm như trò chuyện với ai đó làm cả gia đình tôi và những nhà bên cạnh rất lo lắng. Thế rồi, hai ngày sau bố tôi đột ngột qua đời".
Anh Phan cho biết chuyện này xảy ra rất nhiều lần ở xã anh và những xã lân cận. Chị Lý, một người dân ở xã Hợp Thành, kể: “Chuyện anh Tư đến trước cổng nhà ai đó, sau có người chết là chuyện nhiều người cũng biết. Người chết vì ốm lâu ngày, người vì đột tử thì đã kì lạ rồi. Nhưng kì lạ hơn là người chết vì tai nạn ở tận miền Nam hay nước ngoài anh cũng biết trước được mấy ngày. Dẫn chứng là có cháu N. bị tai nạn ở Bình Dương anh đã đến trước đó 3 ngày rồi ở đó cầm cờ tang luôn".
Điều này, lặp đi, lặp lại nhiều lần nên khi ông Tư xuất hiện ở đâu thì người dân hoang mang và lo lắng, họ xem ông như con quạ, hay chim lợn mang điều xui xẻo đến cho họ. Thậm chí, họ còn bảo ông là Thần Chết. Có người còn lấy đá ném, xua đuổi ông như đuổi tà. Nhưng rồi, dần dần người dân cũng hiểu là ông Tư có khả năng đặc biệt biết trước được người sắp chết, chứ không phải vì ông mang điều xui xẻo đến cho họ.
Anh Phan Tiến Phong kể: “Đi dự đám tang, ông Tư thường cầm cờ dẫn đầu, ông đi chậm là mọi người đi chậm, ông đi nhanh là mọi người đi nhanh. Ông như một nhạc trưởng dẫn dắt và đưa tiễn linh hồn người quá cố về với thế giới bên kia".
Anh Phong nói thêm: “Có một điều không thể lý giải được, đó là những người bị chết trẻ, chết tai nạn hay ốm lâu ngày chết thì ông Tư cầm cờ đi rất nhanh, có đang tang ông đi như chạy. Còn những người mà khi còn sống đức độ, được nhiều người yêu mến thì ông đi rất chậm".
Hiện tượng này mỗi người giải thích một một cách khác nhau mang màu sắc tâm linh, kì bí liêu trai. Nhưng, một thực tế có thể thấy được đó là những người chết trẻ, tai nạn, ốm đau nhiều ngày thì việc đi nhanh như để cho gia đình người xấu số nhanh vơi bớt đau buồn và cũng đỡ ô nhiễm môi trường. Còn những người đức độ, sống thọ thì việc đi chậm như để cho mọi người thấy đó như một tấm gương cần phải học tập và noi theo.
Anh Phong chia sẻ tiếp: “Có lẽ ông Tư không nghĩ thế, nhưng bên trong ông có một thế lực tâm linh ngự trị và hướng cho ông làm những điều tốt đẹp. Một điều đặc biệt nữa đó là khi đám tang xong, chủ nhà sẽ biếu ông Tư một ít tiền. Số tiền đó ông Tư không sử dụng cho mình mà đi mua nhang, hoa quả đi ra mộ người quá cố để thắp hương. Ông cũng ngồi lại trò chuyện với người dưới mộ như một sự an ủi họ về với thế giới bên kia”.
Xâu chuỗi những sự việc ông Tư đi quét chùa và thường đi dự đám tang thì người dân kháo nhau đây là hiện tượng mang màu sắc tâm linh và dành cho ông một sự kính trọng đặc biệt. Thấy ông đến là họ chào đón mời cơm nước rất chu đáo, nhưng ông chưa bao giờ ăn cơm hay uống nước của họ. Và cũng không hiểu sao, từ trẻ đến già ở huyện lúa này ai ai cũng gọi ông là anh Tư chứ không gọi chú, gọi bác, gọi ông… mặc dầu, ông đã lớn tuổi.
Kì bí tới lúc lìa đời
Anh Phan Sĩ Lễ - người cháu gọi ông Tư bằng chú - cho biết: Ông Tư ở với gia đình anh từ nhỏ. Những khi không đi cầm cờ tang thì ông Tư ở nhà làm vườn và chỉnh trang bờ rào.
Về việc buộc bờ rào thì chẳng ai bằng được ông Tư. Từ những dây lạt, sợi rơm, ông đã biến bờ rào trở thành một tác phẩm nghệ thuật rất đẹp.
Khi làm xong vườn, ông lại một mình lang thang trên những nẻo đường quê để cầm cờ tang đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.
Anh Lễ kể: “Vào cuối năm 2002, chú Tư không biết đi đâu bặt tăm 3 ngày. Gia đình và mọi người đi tìm khấp nơi nhưng không thấy. Sau đó thì nhận được tin chú bị tai nạn ở Quỳnh Lưu. Không hiểu sao chú Tư lại đi xa nhà như vậy? Chú chưa đi xa nhà như thế bao giờ. Hỏi chú thì chú cũng chỉ lắc đầu”.
Bị tai nạn cưa mất một chân, ông Tư không còn đi cầm cờ tang được nữa. Ông ở nhà ngồi xe lăn trước thềm nhà và nhìn vô định lên bầu trời. Nhiều người hỏi đùa: Anh Tư bây giờ muốn lấy vợ không? Ông chỉ cười hiền lành đung đưa ống quần phất phơ.
Ông Tư ít nói, nhưng vào đầu năm 2004 bỗng nhiên ông nói nhiều lắm, dặn dò các cháu về cách sống với nhau với mọi người rồi nở một nụ cười mãn nguyện.
Ông Tư đã cầm cờ cho hàng trăm đám tang, nhưng rồi mọi người cũng đau buồn đưa tiễn ông. Đó là một chiều mùa thu mưa rơi ảm đạm, đám tang ông đông chưa từng có, hàng ngàn người đã đến đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ông Tư không còn nữa nhưng những việc ông làm đã trở thành một giai thoại đẹp của vùng đất lúa Yên Thành. Trong những cuộc vui bên bát nước chè xanh mọi người vẫn nhắc về ông với một lòng kính trọng và những câu chuyện về ông cực kì kì bí, liêu trai.
“Thông thường, con người sẽ phát ra một thứ sóng điện từ. Với người sắp chết sẽ có một thứ sóng (mùi vị) rất đặc trưng mà chỉ một số người hoặc một số loài vật mới nhận ra, trong đó có chim lợn; hay chuyện kền kền chuyên ăn xác thối phát hiện ra nguồn thức ăn của mình; hoặc chim chào mào ngửi thấy mùi vị quả bời lời chín mà đến thôi… Câu chuyện của bạn cũng về ông Tư cũng tương tự như thế. Còn những chuyện như bạn kể trên cũng đã từng xảy ra nhiều nơi ở Việt Nam và trên thế giới” - Ông Vũ Thế Khanh,Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA)
Bình luận