Cuộc họp giữa 20 CLB cùng ban điều hành giải Ngoại hạng Anh giữa tuần trước đi đến kết luận về việc sẽ tổ chức giải đấu vào tháng 5. Tuy nhiên, nhật báo uy tín Telegraph khẳng định Ngoại hạng Anh khó trở lại ở khoảng thời gian này.
Cuộc chiến chống Covid-19 tại Anh vẫn diễn biến khó lường, và một tháng dường như là không đủ để Chính phủ Anh giải quyết vấn đề, cho phép các sự kiện thể thao được tổ chức.
Ban tổ chức Ngoại hạng Anh phải đứng trước bài toán khó khăn, vừa đảm bảo hợp đồng, lợi ích kinh tế với nhà đài, vừa phải hoàn thành mùa giải trước thời hạn 30/6 của UEFA, vừa bảo vệ đôi chân kim tiền cho cầu thủ. Không có phương án toàn vẹn, mà chỉ có phương án ít thiệt hại nhất.
Thách thức tiền bồi thường
Cần phải nhắc lại về thời hạn 30/6 mà UEFA đặt ra cho các giải châu Âu như Ngoại hạng Anh, LaLiga, Serie A, Bundesliga hay Ligue 1.
Do ngày kết thúc mùa giải còn liên quan đến một loạt thành tố quan trọng của bóng đá như hợp đồng cầu thủ, thị trường chuyển nhượng và cả tiến trình mùa giải sau (sẽ gặp vấn đề nếu mùa này bị kéo sang tháng 7), nên các giải buộc phải giải quyết vấn đề, nếu không muốn kết cấu bóng đá gặp trục trặc.
Dịch bệnh Covid-19 là thảm họa hiếm gặp trong lịch sử, khiến bóng đá châu Âu đồng loạt ngừng trệ lần đầu kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai. Tất cả quan chức, ban điều hành hay ban tổ chức giải đều không có kinh nghiệm đối phó với việc trì hoãn và xử lý giải thời dịch bệnh, nên hiển nhiên không thể có quyết định theo kiểu "sách vở" nào.
Mọi quyết định đưa ra đều dựa vào biểu quyết của các bên liên quan, sao cho trung hoà quyền lợi CLB, Ban tổ chức giải và UEFA. Sẽ không có phương án vẹn toàn, mà mỗi bên phải chịu thiệt hại từ ít đến nhiều.
UEFA đã "xuống nước" khi dời EURO sang năm 2021, tạo điều kiện cho các giải VĐQG "về đích an toàn". Vì vậy, quả bóng trách nhiệm được đẩy sang cho các giải và CLB.
Với riêng trường hợp Ngoại hạng Anh, ban tổ chức giải sẽ mất trên dưới 750 triệu bảng bồi thường cho hai nhà đài Sky Sports và BT Sports. Đây là khoản tiền khổng lồ, trong bối cảnh các CLB và nhà điều hành giải đã thiệt hại hàng trăm triệu bảng khi các trận đấu bị hoãn.
Giải pháp tổ chức "cố" trong 2 tháng cuối vừa giúp giải không mất số tiền lớn, vừa giúp mùa bóng "về đích an toàn". Bất cứ kịch bản nào cho mùa giải không hoàn thành sẽ mang đến tranh cãi giữa các đội Ngoại hạng Anh và một số đội hạng Nhất, bởi đây là điều không có trong tiền lệ, các đội không nhất thiết phải tuân theo và sẽ kéo theo hàng loạt vụ kiện cáo.
Dẫu vậy, hoàn tất 92 trận trong 2 tháng là việc không đơn giản.
Sức khỏe cầu thủ bị đe doạ
Nếu Ngoại hạng Anh khởi tranh lại từ tháng 5, việc hoàn tất 9 vòng trong 8 tuần lễ là chuyện trong tầm tay với các CLB. Song nếu giải chỉ trở lại từ đầu tháng 6 (hoặc muộn hơn), các cầu thủ sẽ đối diện mật độ thi đấu cực dày: 2 hoặc 3 trận/tuần.
Các đội đang đá cúp châu Âu như Man United, Manchester City, Chelsea, Wolverhampton còn phải đá nhiều hơn, chưa kể các trận ở FA Cup.
Chia sẻ trên Daily Mail, một chuyên gia y tế giấu tên cho rằng rất vô lý nếu bắt cầu thủ "cày" trong giai đoạn này, nhất là khi hầu hết mới trở lại sau quãng thời gian nghỉ rất dài.
"Nếu phải thi đấu vào thứ Bảy, thứ Tư rồi lại đá thứ Bảy, nguy cơ chấn thương của cầu thủ sẽ tăng lên. Một số cầu thủ khỏe mạnh có thể ứng phó với lịch thi đấu, nhưng có không ít cầu thủ cần nhiều thời gian phục hồi hơn những người khác. Với tiền sử chấn thương và mới trở lại, những cầu thủ này sẽ bị đe dọa", chuyên gia này chia sẻ.
Những cái tên như Marcus Rashford, Harry Kane có nguy cơ tái phát chấn thương khi trở lại vào đầu tháng 6. Khó khăn là có thể hiểu khi hầu hết các đội Anh vẫn còn mục tiêu chiến đấu (lấy vé dự cúp châu Âu, trụ hạng), và 9 vòng thi đấu dồn dập sẽ mang tới thách thức khủng khiếp.
Ban tổ chức vẫn cứ phải tiến hành mùa giải vì lý do "cơm áo gạo tiền", nhưng đảm bảo thế nào để không phải "đánh bạc" với những đôi chân bạc tỷ đang chơi bóng tại Anh, đó là bài toán rất khó giải.
Video: Paolo Maldini và con trai nhiễm Covid-19
Bình luận