(VTC News) – Sau khi ăn bắp cải nấu với mỳ tôm, anh N.T.H bị tử vong còn ông Trần H. V phải đi tẩy ruột và đã mất hôm 5/8.
Ăn bắp cải nấu mỳ tôm, 2 người tử vong
Cuối tháng 7 vừa qua, khi vợ đi vắng, anh N.T.H (39 tuổi, Hà Nội) thấy có bắp cải sẵn trong tủ lạnh liền lấy ra nấu với mỳ tôm để ăn. Sau khi ăn, anh H có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, khó thở. Gia đình cho anh H. đi cấp cứu. Bắp cải Trung Quốc tròn, lá bắp cải xoăn.
Anh H. được truyền nước nhưng về nhà vẫn bị sốt. Hai ngày sau bí tiểu nghi bị suy thận. Trước đó, gan của anh vốn đã yếu. Vào thời điểm ăn bắp cải, anh H. đang phải dùng kháng sinh do vị viêm đường hô hấp.
Chỉ vài ngày sau, anh H. bị ức chế thần kinh, không nói được gì, lịm dần và tử vong.
Dù bác sĩ không có kết luận chính thức về việc anh H. mất do ăn bắp cải, tuy nhiên, theo gia đình anh H. có thể do anh ăn bắp cải chứa thuốc bảo vệ thực vật hay chất độc gì đó, kết hợp với thuốc kháng sinh anh đang dùng nên gây ra tử vong cho anh.
Cũng trong thời gian cuối tháng 7, ông V. (hơn 60 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cũng ăn bắp cải nấu với mỳ tôm. Sau đó, ông V. phải đi tẩy ruột. Ngày 5/8, ông V. đã tử vong.
Hiện không phải mùa bắp cải ở miền Bắc, nhưng khi ra chợ, người tiêu dùng vẫn mua được bắp cải.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ như Cống Vị, Thái Thịnh (Hà Nội) ở hầu hết các hàng rau đều có mặt rau bắp cải. Bắp cải tròn, lá xanh, xoăn có giá từ 9 – 11 ngàn đồng/kg.
Khi phóng viên thắc mắc, mùa này làm gì có bắp cải, chị Toán, bán hàng tại chợ Thái Thịnh nói: “Bắp cải này nhập từ Đà Lạt về, yên tâm mà ăn”.
Còn ông Phùng Bá, người chở thịt lợn từ Đan Phượng ra Hà Nội bán. Ông thường xuyên đi qua chợ đầu mối rau quả Dịch Vọng (Cầu Giấy). Ông Bá bảo: “Làm gì có bắp cải Đà Lạt ở chợ cóc, toàn từ Trung Quốc đánh sang thôi. Trên bao ni lông bọc rau cải bắp tôi thấy toàn chữ Trung Quốc”.
Nhiều bà nội chợ, thỉnh thoảng muốn đổi món nên vẫn mua bắp cải về ăn, thậm chí mua về để muối xổi.
Bà Nhàn (Văn Cao, Hà Nội) chia sẻ: Tuần này, tôi cũng vừa ăn rau bắp cải. Giờ không phải mùa nên ăn không ngon, cứ thấy ngai ngái. Tốt nhất là không nên ăn.
Còn chị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị vừa mua bắp cải ở siêu thị Metro với giá 14 ngàn đồng/kg. Chị rất cẩn thận khi mua các loại rau. Vì vậy, chị vào siêu thị mua cho an tâm, dù giá cả có đắt hơn so với ở chợ.
Bắp cải ẩn chứa nhiều nguy cơ
Theo ông Nguyễn Quốc An, chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, mùa của bắp cải rộ nhất vào tháng 10 đến tháng 12, thậm chí tháng 1 dương lịch. Bắp cải miền Bắc thường dẹt, lá mỏng
Cụ thể, vụ Đông Xuân gieo sớm vào tháng 10 – 11 sẽ thu hoạch vào tháng 1. Thời điểm này, giá bán cao nhưng năng suất thấp.
Gieo chính vụ vào tháng 11 - 12 sẽ thu hoạch vào tháng 2. Vào thời gian này, cây sinh trưởng trong điều kiện nhiệt độ tương đối thấp trong năm nên phát triển thuận lợi, năng suất cao, ít sâu bệnh.
Gieo muộn vào tháng 1- 2 và thu hoạch vào tháng 3 - 4 vì trời không mưa nhiệt độ cao lượng nước cung cấp cho cải rất lớn, sâu bệnh phát triển nhiều nhất là sâu tơ.
Nếu trồng trái vụ vào tháng 4 - 5 thu hoạch vào tháng 7 sâu bệnh nhiều, nhất là bệnh thối nhũn. Vì vậy, nông dân phải dùng nhiều thuốc trừ bệnh, rất không an toàn cho người sử dụng. Có thể do bắp cải đã được tưới bằng phân tươi, nước bẩn không qua xử lý nên có khuẩn E.coli. Nhưng dù nhiễm khuẩn này, nếu đun chín rau, thì vi khuẩn này bám trên rau sẽ chết.
Nhưng ăn bắp cải bằng cách muối, ăn tái (nhiều người thích ăn tái) thì nguy cơ nhiễm E.coli rất lớn. Ông Nguyễn Quốc An
Ông An nói: “Đang là mùa hè, ở Hà Nội mà có bắp cải thì dứt khoát phải được đưa về từ vùng lạnh. Có thể là Đà Lạt hoặc Trung Quốc”.
Đưa từ Trung Quốc vào mà không được cơ quan chức năng kiểm soát thì khó lường được nguy cơ.
Phân tích về khả năng bị nhiễm khuẩn E.coli, ông An cho rằng, có thể do bắp cải đã được tưới bằng phân tươi, nước bẩn không qua xử lý.
Nhưng dù nhiễm khuẩn E.coli, nếu đun chín rau, vi khuẩn bám trên rau sẽ chết. Nhưng ăn bắp cải bằng cách muối, ăn tái (nhiều người thích ăn tái) thì nguy cơ nhiễm E.coli rất lớn.
Về việc ăn bắp cải có thể nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, ông An cho rằng: Nếu nông dân phun thuốc nội hấp trong danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép và tuân thủ đúng thời gian cách ly thì người tiêu dùng ăn cũng không sao.
Nếu thời gian cách ly không đúng, cũng chưa thể gây ra tử vong ngay. Mà tùy từng loại thuốc, tùy thời gian cách ly, thuốc sẽ gây ngộ độc lâu dài, tích trong lũy trong cơ thể và gây bệnh, có thể là ung thư.
Chị Cao Thu Hương công tác tại một công ty thuốc thú ý còn cho biết: “Tôi nghe nói người ta còn phun thuốc diệt chuột vào bắp cải, vì chuột ăn rau này nhiều”.
Khi hỏi ông An về vấn đề này, ông nói: “Tôi chưa thấy nông dân phun thuốc diệt chuột vào bắp cải. Tuy nhiên, thực tế thì chuột đồng khi đói sẽ ăn cả rau quả. Vì vậy, có khả năng việc trên là sự thật. Nhưng nếu thế thì rất nguy hiểm vì thuốc chuột có thể gây chết người ngay”.
Về việc bắp cải Trung Quốc được bán tại các chợ, chuyên gia này cho rằng: Trước đây đã có thông tin cải thảo Trung Quốc phun formal để bảo quản. Giờ nếu họ có dùng thêm chất gì cũng rất khó kiểm soát.
Có thể những cái chết thương tâm trên là lời cảnh tỉnh cho các bà nội trợ khi có thói quen ăn bắp cải nói riêng và rau củ quả trái vụ nói chung. Bởi khi trồng trái vụ, nông dân phải phun nhiều chất bảo quản.
Chưa kể nếu bắp cải từ Trung Quốc vào Việt Nam, thời gian vận chuyển dài nên cần được bảo quản khỏi vi trùng, nấm nhằm chống thối.
Kết luận lại, ông Nguyễn Quốc An tư vấn nên ăn bắp cải chính vụ sẽ an toàn và mua rau ở những cửa hàng, hợp tác xã uy tín.
Nguyễn Tâm
Bình luận