Chuyện nghệ sĩ kêu gọi góp tiền từ thiện và yêu cầu minh bạch từ khán giả là vấn đề thu hút dư luận thời gian qua. Khi không thể minh bạch được tiền từ thiện, nghệ sĩ dễ vấp phải sự phản ứng từ công chúng.
Theo các luật sư, minh bạch là điều cần thiết, bắt buộc với nghệ sĩ cũng như bất cứ cá nhân, tổ chức nào khi kêu gọi, đóng góp tiền từ thiện.
Dòng tiền đi phải ứng với số nhận được
Theo luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM), làm thiện nguyện là điều tốt nhưng người kêu gọi cũng cần tạo niềm tin cho cộng đồng, người dân, chính quyền bằng sự minh bạch về các khoản thu và chi.
Ông Nam cho rằng sao kê là bắt buộc nhưng chưa thể chứng minh được sự minh bạch. Sao kê chỉ là một phần trong chuỗi hành vi minh bạch của hoạt động từ thiện.
“Sao kê là cung cấp số liệu cho người dân, cơ quan Nhà nước về số tiền người kêu gọi từ thiện đã nhận được. Vấn đề quan trọng không kém trong minh bạch là phân phối số tiền. Dòng tiền đi ra phải tương ứng với số tiền nhận được. Minh bạch còn là số tiền được sử dụng đúng mục đích, đối tượng trong thời gian nhất định”, ông nhấn mạnh.
Đánh giá về cách phân phối tiền từ thiện cũng như việc minh bạch của một số nghệ sĩ Việt, luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng hầu hết mang tính cảm xúc, cá nhân.
“Giải ngân bằng tiền mặt cũng tốt nhưng cần kiểm soát chặt chẽ, làm sao để đúng đối tượng và có thể đối soát, kiểm tra chéo được. Bạn thông báo phát 500 triệu đồng cho dân nhưng cơ sở nào để chứng minh khi bạn cầm tiền và tự phát. Càng không thể chứng minh bằng cách livestream trên Facebook hoặc các video đăng tải trên mạng xã hội. Đấy là cách làm hời hợt, chưa đúng pháp luật”, luật sư nói.
Luật sư Nam đánh giá cách làm từ thiện của cá nhân còn mang tính cảm xúc do hành lang pháp lý, quy định hoạt động từ thiện chưa cụ thể, rõ ràng.
Theo đó, Nghị định 64/2008/NĐ-CP điều chỉnh các hoạt động từ thiện chỉ đề cập đến tổ chức. Nghị định có nhắc đến từ thiện của cá nhân nhưng còn bỏ ngỏ về cách thức tổ chức, hoạt động.
Tuy nghị định chưa đề cập nhưng hoạt động từ thiện của cá nhân theo luật sư có thể áp dụng bộ Luật Dân sự 2015.
“Ở đây, việc người dân đóng góp tiền cho một cá nhân nào đó làm từ thiện nghĩa là họ đã ủy quyền, giao cho cá nhân đó thực hiện công việc của mình. Trách nhiệm của cá nhân làm từ thiện phải đúng và minh bạch”, luật sư giải thích.
Mở tài khoản mới và chỉ sử dụng cho một chương trình từ thiện
Luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng các cá nhân kêu gọi đóng góp tiền từ thiện nên tách bạch giữa tài khoản từ thiện và tài khoản cá nhân. Khi dùng số tài khoản cá nhân nhận tiền từ thiện sẽ khó chứng minh được các khoản thu và chi cũng như kiểm toán sau này.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay người kêu gọi đóng góp nên lập tài khoản riêng cho mục đích từ thiện. Điều này giúp việc sao kê, kiểm toán dễ dàng hơn. Trong khi đó việc quyên góp vào tài khoản cá nhân gây nhập nhằng giữa tiền riêng, tiền chung, khó chứng minh được sự minh bạch.
Theo luật sư Cường, để thuận tiện hơn cho việc minh bạch thu chi, cá nhân kêu gọi nhưng tiền nên chuyển vào một tài khoản được mở mới, chỉ sử dụng riêng cho một chương trình kêu gọi từ thiện cụ thể.
Nhà nước nên quy định đối với số tiền kêu gọi lớn hàng chục, trăm tỷ đồng nên có một tổ chức độc lập giám sát, kiểm tra. Điều này sẽ thuận lợi cho việc đối soát, kiểm toán, báo cáo kịp thời, chính xác các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối tài sản từ thiện.
Ông nhìn nhận các nguyên tắc cơ bản bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động thiện nguyện là tự nguyện, công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đối tượng cần hỗ trợ, hoạt động phi lợi nhuận, chế độ báo cáo tài chính và chịu sự giám sát độc lập.
Những hành vi ép buộc, báo cáo không đúng, chiếm đoạt, tiếp nhận và phân phối tiền không đúng mục đích, đối tượng, vụ lợi đều bị nghiêm cấm và có thể bị xử lý theo pháp luật.
Ông đánh giá Nghị định 64/2008/NĐ-CP ban hành đã lâu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Hiện dự thảo thay thế nghị định này đã được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Dự thảo sẽ tạo hành lang pháp lý an toàn, công khai minh bạch hơn cho hoạt động thiện nguyện.
Đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động từ thiện có thể bị điều chỉnh xử lý theo pháp luật dân sự, hành chính và hình sự.
Khi có dấu hiệu bất ổn, cơ quan chức năng nên chủ động điều tra
Luật sư Phạm Hoài Nam cho biết thêm khi cá nhân kêu gọi từ thiện có dấu hiệu vi phạm, gây bất ổn xã hội cần có hành lang pháp lý phù hợp điều chỉnh.
Ông nêu ý kiến: "Tôi nghĩ dự thảo thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP nên có quy định thêm về việc chính quyền địa phương, cơ quan pháp luật cũng có thể chủ động vào cuộc điều tra, kiểm tra dòng tiền nhận vào và phân phối khi cá nhân hoạt động từ thiện gây ồn ào, gây mất niềm tin với công chúng".
"Cụ thể, chính quyền có thể mời họ đến làm việc, kiểm tra các thông tin và số liệu liên quan. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì gửi cơ quan điều tra xử lý tiếp", ông nói thêm.
Bình luận