Trong quý 2/2016, nhiều ngân hàng gây bất ngờ khi ồ ạt đăng tuyển. Đáng chú ý nhất là 3 “ông lớn” ngân hàng như ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (gần 1.000 chỉ tiêu), ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (642 chỉ tiêu), ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - VietinBank (450 chỉ tiêu),…
Sang quý 3, các ngân hàng thương mại cổ phần đã vượt qua 3 “ông lớn” BIDV, Vietcombank, VietinBank về nhu cầu nhân sự. Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) lại gây chú ý khi triển khai chương trình “Thực tập viên tiềm năng 2017” dành cho sinh viên năm cuối thuộc các ngành: Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Ngoại thương, Marketing… tại các trường Đại học – Cao đẳng trên toàn quốc.
Theo đó, Sacombank sẽ tuyển chọn 1.000 thực tập viên tiềm năng để thực tập tại các điểm giao dịch của Sacombank trên toàn quốc với các vị trí như Chuyên viên khách hàng, Chuyên viên tư vấn và Giao dịch viên. Chương trình “Thực tập viên tiềm năng” được Sacombank tổ chức định kỳ hàng năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương – Techcombank cũng đẩy mạnh tuyển dụng. Cuối tháng 9, Techcombank cùng lúc triển khai 2 chương trình “Hồi hương lập nghiệp cùng Techcombank” và “Tuyển dụng tập trung trên toàn quốc” với hàng trăm chỉ tiêu.
Không công khai nhu cầu tuyển dụng nhân viên quan hệ khách hàng cá nhân nhưng ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (NamA Bank) hứa hẹn sẽ cung cấp nhiều việc làm cho thị trường lao động khi tuyển dụng cho các chi nhánh, phòng giao dịch ở 17 tỉnh thành.
Tuy nhiên, điều kiện mà NamA Bank đưa ra cho ứng cử viên khá cao. Bên cạnh yêu cầu về bằng cấp, ngoại ngữ và tin học văn phòng, NamA Bank còn áp dụng tiêu chuẩn cao 1m68 cho nam và 1m58 cho nữ ứng cử viên.
Mặc dù đăng tuyển tới 642 nhân sự mới trong quý 2 nhưng tới quý 3, dù không nằm trong Top các ngân hàng “khát” nhân sự nhất thị trường nhưng Vietcombank vẫn rộng cửa cho những ai muốn làm việc tại 1 trong những ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam.
Cuối tháng, Vietcombank thông báo tuyển dụng 62 chỉ tiêu chỉ cho Trụ sở chính. Trong đó, chuyên viên Trung tâm dịch vụ khách hàng là vị trí cần nhiều người nhất với 10 chỉ tiêu. Đứng sau là cán bộ Ban Khách hàng doanh nghiệp (9 chỉ tiêu), chuyên viên Tài trợ thương mại – Hồ Chí Minh (8 chỉ tiêu),…
Không ồ ạt đăng tuyển như quý 2 nhưng trong quý 3/2016, VietinBank lại gây chú ý khi tuyển dụng nhiều nhân sự chủ chốt. Trong hàng chục chỉ tiêu còn trống tại ngân hàng, đa phần đều là vị trí Phó Giám đốc, trưởng phòng, phó phòng,…
Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) thường xuyên nằm trong danh sách các đơn vị tuyển dụng “khủng” nhất. Thời gian này, VPBank không công bố những chương trình tuyển dụng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhân sự như trước đây nhưng với việc tổ chức hàng loạt chương trình trong tháng 9, có thể thấy, lượng nhân sự tăng trong quý 3 của VPBank sẽ là những con số không hề nhỏ.
Cụ thể, chỉ trong tháng 9, VPBank thực hiện đồng loạt các chương trình tuyển dụng như “Chương trình phỏng vấn và tuyển dụng trực tiếp: Nhân viên Khách hàng Doanh nghiệp”, “Khối Tín Dụng tuyển dụng tháng 09/2016”, “Khối Dịch vụ Ngân hàng Công nghệ số tuyển dụng 09/2016”, “Khối Khách hàng Cá nhân tuyển dụng - Tháng 9/2016”,…
Nhu cầu nhân sự trong kỳ này của LienVietPostBank có lẽ cũng sẽ đạt hàng trăm chỉ tiêu khi ngân hàng công bố tuyển dụng 73 đầu việc ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á – SeABank cũng ghi tên mình vào danh sách các ngân hàng đăng tuyển hàng trăm nhân sự. Chỉ riêng SeABank Tp.HCM đã đăng tuyển hơn 50 nhân sự.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các ngân hàng ồ ạt đăng tuyển không có nghĩa họ sẽ tuyển dụng được đủ lượng nhân sự như mong muốn. Kết quả của các chương trình tuyển dụng cho thấy số lượng nhân sự trong quý của các ngân hàng thường không cao như số lượng chỉ tiêu được đăng tuyển.
Bình luận