Trong thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của nhiều công ty ngành dầu khí đang bộc lộ nhiều yếu kém. Nhưng điều khiến cổ đông bất ngờ nhất chính là trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL). Trong quý 3/2016, PVL không kiếm được 1 đồng doanh thu nào nhưng vẫn báo lãi hàng chục tỷ đồng.
Không doanh thu, vẫn có lãi
Theo báo cáo tài chính quý 3/2016, trong kỳ, PVL không kiếm được 1 đồng doanh thu nào. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, PVL thu về 73,59 tỷ đồng. Và có lẽ cũng không tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh nên công ty không phát sinh giá vốn hàng bán.
Mặc dù không có doanh thu nhưng PVL vẫn duy trì bộ máy nhân sự. Vì vậy, công ty vẫn phát sinh chi phí hoạt động quản lý doanh nghiệp. Trong quý 3, chi phí này đạt 1,97 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 3,44 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Không có doanh thu nhưng vẫn phát sinh chi phí nên trong quý 3, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PVL là âm 1,97 tỷ đồng.
Lẽ ra, PVL có thể tiếp tục hứng chịu thêm một quý thua lỗ nữa nhưng “thu nhập khác” đã “cứu” đại gia dầu khí này. Chỉ tiêu thu nhập khác của PVL đạt 13,97 tỷ đồng giúp PVL đạt lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 7,85 tỷ đồng. Năm ngoái, khoản lỗ trong quý 3 và 9 tháng đầu năm của PVL lần lượt là 3,58 tỷ đồng và 17,76 tỷ đồng.
“Thu nhập khác” chính là “đũa thần” giúp PVL đảo ngược tình thế ngoạn mục. Tuy nhiên, PVL không thuyết minh rõ “thu nhập khác” này đến từ đâu.
Không chỉ khiến cổ đông ngạc nhiên vì không có doanh thu, PVL còn khiến cổ đông khó hiểu khi sở hữu món nợ không nhỏ nhưng lại không phát sinh chi phí lãi vay.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 3, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty đạt 30 tỷ đồng, giảm khoảng 6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng cả chi phí tài chính và chi phí lãi đều là 0 đồng.
“Bay” gần 40% vốn
Cũng giống như nhiều đại gia dầu khí khác, PVL chìm trong khó khăn suốt thời gian dài. Công ty trải qua 3 năm thua lỗ với khoản lỗ lũy kế đạt 203 tỷ đồng, gần bằng 40% vốn góp chủ sở hữu. Thua lỗ nhiều nên tiền mặt của công ty khá khiêm tốn. Cuối quý 1, PVL chỉ có khoảng 1,6 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí thua lỗ nặng nề nên cổ phiếu PVL thường xuyên giao dịch thấp hơn mệnh giá rất nhiều. Đóng cửa phiên 18/10, PVL dừng ở mức 2.500 đồng/CP. Ở mức giá này, vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí chỉ còn là 125 tỷ đồng thay vì 500 tỷ đồng.
Kinh doanh bết bát, làm mất vốn của công ty nên dàn lãnh đạo PVL nhận lương khá bèo bọt. Năm 2015, tất cả thành viên Hội đồng quản trị công ty chỉ nhận 97 triệu đồng/năm, tương đương 8,1 triệu đồng/tháng.
Trong đó, thành viên Hội đồng quản trị không chuyên trách nhận lương 2 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch Hội đồng quản trị không chuyên trách nhận lương 7 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên còn lại nhận lương theo quy chế của công ty.
Các thành viên Ban Kiểm soát thậm chí còn nhận lương bèo bọt hơn. Trưởng ban chỉ được nhận 1,5 triệu đồng/tháng trong khi các thành viên nhận 1 triệu đồng/tháng.
Lương bổng của lãnh đạo PVL vẫn chưa được cải thiện trong tương lai gần. Theo kế hoạch, trong năm 2016, dàn lãnh đạo PVL vẫn giữ nguyên mức lương như trong năm 2015.
Năm 2015, PVL đã có bê bối liên quan tới lãnh đạo. Theo đó, Hoàng Ngọc Sáu (SN 1966), nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PVL bị truy tố về tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bình luận