Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà", và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân, ông Táo hay ông Công ông Táo.
Cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Nói về việc cúng Táo quân nên ở bếp hay ban thờ gia tiên, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho biết, theo truyền thống văn hóa dân gian thì bàn thờ ông Táo được đặt trong bếp, cụ thể là bên cạnh hoặc bên trên bếp, vì đây là vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình.Thờ thần bếp là mong muốn giữ cho bếp luôn đỏ lửa, gia đình no ấm, thuận hòa.
Ngày xưa, mâm cúng Táo quân thường đặt trong bếp, nơi có ban thờ Táo quân. Tuy nhiên trong ngôi nhà hiện đại ngày nay, thiết kế bếp không tiện việc đặt ban thờ, không nhiều gia đình có ban thờ riêng cho ông Táo. Do đó, việc đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và quan niệm từng gia đình.
Có nhà tuy không có ban thờ Táo quân riêng nhưng vẫn chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên (đây là nơi thực hiện nghi lễ cúng chính). Nhiều gia đình chỉ cúng một mâm ở ban thờ chính, thờ Táo quân cùng với thần linh.
Cúng ông Công ông Táo trước 23 tháng Chạp được không?
Tết ông Công, ông Táo là một trong những nghi lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Theo ghi chép còn lưu, ba vị thần Táo có vị trí rất quan trọng, họ có quyền định đoạt mọi sự cát hung, phúc đức cho gia đình mà mình cai quản. Điều này phụ thuộc nhiều vào tâm đức của gia chủ. Chính vì thế, để mong cầu Thần bếp báo cáo những lời hay, ý đẹp với Ngọc Hoàng thì hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ cúng Táo quân long trọng để tiễn ông Táo về trời.
Ngày nay, do những yếu tố khách quan như công việc, học tập nên không phải nhà nào cũng có thể cúng Táo quân đúng ngày mà thường sẽ cúng trước. Vậy cúng Táo quân trước ngày 23 có được không?
Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, tùy vào điều kiện thời gian của mỗi gia đình mà lựa chọn ngày, giờ cúng là khác nhau. Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, không nên cúng muộn hơn 23h ngày 23 tháng Chạp. Bởi mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc Hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu.
Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế, các gia đình không nên cúng sau ngày 23.
Bình luận