• Zalo

Mức phạt nồng độ cồn không tăng thì thôi, sao lại giảm?

Ý kiếnThứ Tư, 07/08/2024 07:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Từ khi bỏ “vùng xanh” về nồng độ cồn và tăng mức phạt tiền, tệ nạn lái xe sau khi uống rượu bia giảm hẳn; cớ gì lại giảm mức phạt khiến thói tùy tiện quay trở lại?

Tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết “Đã đến lúc giảm mức phạt với tài xế có nồng độ cồn rất thấp. Chuyện giảm mức phạt với tài xế vi phạm nồng độ cồn với chỉ số 0,25mg/lít khí thở vẫn đang nằm trong dự thảo, vì vậy tôi muốn đóng góp ý kiến để các cơ quan chức năng xem xét, ban hành nghị định mới với những quy định có hiệu quả thực tiễn lớn nhất.

Quy định hiện hành về việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn đang làm rất tốt sứ mệnh giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia. Bất kỳ ai cũng thấy rõ sự thay đổi một trời một vực của văn hóa giao thông, hành vi của tài xế trước khi lệnh cấm tuyệt đối rượu bia khi lái xe được áp dụng và kiểm soát nghiêm ngặt, với số tiền phạt cao hơn trước nhiều lần.

Bạn có đồng tình với đề xuất giảm mức phạt khi nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở?

Trước đây, tài xế nhậu lu bù xong vẫn ngang nhiên cầm lái “không cần phải nghĩ”, nay thì họ phải suy tính từ trước khi cuộc vui bắt đầu: Có uống hay không, uống rồi thì về bằng cách nào, gửi xe ở đâu… Từ chối uống rượu bia trước đây gần như là điều không được phép trong “văn hóa tiếp khách”, nhưng nay lại dễ dàng được chấp nhận chỉ bằng câu: “Lát nữa tôi phải lái xe về”.

Số tiền phạt mà người vi phạm phải đóng đủ lớn để ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân, như vậy họ mới “rụt lại” khi ý nghĩ “mặc kệ, cứ lái xe” hiện ra trong đầu. Với thu nhập trung bình của người dân hiện nay, một cái tặc lưỡi tốn mấy triệu đồng và bị thu bằng lái là cái giá đủ đắt để số đông từ chối trả.

Thế nhưng kết quả tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng cho thấy vẫn còn nhiều người vi phạm: Trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 500 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.

Gần đây nhất, ngày 1/8, trên Quốc lộ 10, một người đàn ông đi xe máy tông vào ô tô đầu kéo đi ngược chiều, chết trên đường đi cấp cứu, người phụ nữ ngồi sau bị thương nặng. Tài xế xe máy này có nồng độ cồn cao gấp 10 lần mức quy định. Thực tế này chứng tỏ việc duy trì sự cứng rắn trong xử phạt là cần thiết.

(Ảnh: Khổng Chí)

(Ảnh: Khổng Chí)

Bình luận dưới bài viết “Đã đến lúc giảm mức phạt với tài xế có nồng độ cồn rất thấp”, nhiều độc giả nhắc đến “vùng xanh” về nồng độ cồn, tức là không phạt khi chỉ số chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở, cách mà nhiều nước đang áp dụng. Tuy nhiên, xin được nhắc nhở rằng Việt Nam từng áp dụng “vùng xanh” đối với xe máy, khiến cho tình trạng phóng xe máy ầm ầm sau các cuộc nhậu cứ tiếp diễn suốt bao nhiêu năm, chỉ đến khi xóa bỏ “vùng xanh”, trật tự mới được thiết lập.

Cụ thể, trước khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2020), việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn được áp dụng theo Nghị định 46/2016, người lái xe máy chỉ bị phạt khi có nồng độ cồn vượt quá 0,25mg/lít khí thở. Với nồng độ cồn này, mức phạt tiền với tài xế ô tô cũng chỉ từ 2 - 3 triệu đồng.

Năm 2019, cả nước có khoảng 8.000 vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Bỏ qua số liệu những năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng ta so sánh với năm 2023, khi Nghị định 100/2019 được thực hiện nghiêm ngặt, con số này giảm 10 lần, chỉ còn 814 vụ.

Thực tế này có giá trị hơn bất cứ lập luận nào.

Nếu giảm nhẹ mức phạt cho người uống ít, ý nghĩa cứng rắn, quyết liệt của quy định “nồng độ cồn bằng 0” sẽ giảm, thông điệp sẽ yếu đi, sẽ có nhiều tài xế chủ quan, lên xe cầm lái vì nghĩ “mình uống có chút xíu”, hoặc tặc lưỡi rằng nếu không may bị phạt thì cũng không đến nỗi nghèo đi vì số tiền đó.

Nghĩa là, mức phạt tiền đối với vi phạm nồng độ cồn nếu không tăng lên thì xin hãy giữ nguyên chứ đừng giảm đi. Hiệu quả của Nghị định 100/2019 là rất rõ ràng, nhưng chưa đủ vững chắc để buông lỏng.

Những nét tiêu cực trong tập quán ăn nhậu và văn hóa lái xe không thể thay đổi tận gốc rễ ngày một ngày hai, vì vậy hành vi của người dân phải được kiểm soát bằng các quy định khắt khe, cứng rắn của pháp luật trong thời gian dài. Chỉ khi ý thức không uống rượu bia khi lái xe ngấm sâu vào tiềm thức mỗi người mới nên bàn đến việc giảm nhẹ mức phạt hoặc “mở vùng xanh”.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Mạnh Tùng
Bình luận
vtcnews.vn