Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của tác giả bài “Sức mạnh của việc 'cấm tiệt' rượu bia lái xe” trên VTC News ngày 29/1. Việc xác định mức cồn trong máu/khí thở của tài xế để xử phạt không cần máy móc làm theo nước ngoài, mà phải phù hợp với Việt Nam. Thực tế, thể hiện qua những con số về tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán các năm trước và sau Nghị định 100, là minh chứng rõ nhất.
Có một lý do nữa khiến tôi cực kỳ tâm đắc với quy định cấm tuyệt đối lái xe sau khi uống rượu bia, tâm đắc với chủ trương kiểm soát, xử phạt thật gắt gao, triệt để, không cho người vi phạm cơ hội gọi điện nhờ xin xỏ. Đó là sự quyết liệt này không chỉ giúp giảm thương vong do tai nạn giao thông mà còn có thể tạo ra sự thay đổi rất lớn trong văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Việt Nam, và giúp các gia đình hạnh phúc hơn.
Một khi biết rõ nếu lái xe lúc trong người “có tí cồn” thì chắc chắn bị phạt nặng, các tài xế sẽ chẳng những không uống mà còn dễ dàng chấp nhận lời từ chối uống của bạn bè, đối tác… trong bữa tiệc. Suốt nhiều năm qua, ép rượu luôn là vấn nạn gây ra bao nhiêu đau thương do tai nạn, bệnh tật, cùng với sự tốn kém, lãng phí khủng khiếp khi bia rượu đắt tiền cứ đổ như nước lã. Nhưng nếu cảnh sát giao thông luôn mạnh tay xử phạt những tài xế có nồng độ cồn, dần dần “văn hóa ép rượu” man rợ này sẽ không còn đất để tồn tại. Bạn bè, đồng nghiệp, đối tác… sẽ cư xử với nhau văn minh hơn, không còn dùng chén rượu để đo tình cảm hay độ chân tình, không còn cảnh hậm hực, hằm hè chỉ vì hơn kém nhau vài chén.
Trong hoàn cảnh giao thông công cộng chưa phát triển như Việt Nam, phương tiện cá nhân có vai trò rất quan trọng với người dân. Việc gọi taxi để về nhà sau bữa nhậu không chỉ tốn kém mà còn kéo theo nhiều phiền toái, cách rách về chuyện gửi xe của mình ở đâu, hôm sau làm sao thu xếp thời gian để qua lấy… Vì thế khi việc lái xe sau rượu bia bị cấm tuyệt đối, những người đi lại bằng xe cá nhân sẽ hạn chế tối đa tần suất nhậu. Thế là thay vì sa đà quán xá đến nửa đêm và trở lại nhà trong trạng thái say mèm, họ sẽ sớm về với gia đình mình trong phần lớn các buổi tối.
Như thế, sẽ ít dần cảnh các bà vợ chán nản ngồi đợi bên mâm cơm lạnh ngắt, hay một mình vật lộn với chuyện ăn uống, tắm rửa, học hành của con cái rồi đến khuya lại chăm sóc chồng say mèm. Sẽ có nhiều ấm áp, yêu thương hơn trong các ngôi nhà. Hạnh phúc gia đình càng được đảm bảo khi sức khỏe thành viên của nó không còn bị rượu bia hủy hoại. Sẽ ít đi số vợ góa, con côi do tai nạn giao thông hay ung thư, đột quỵ, ngộ độc rượu; ít đi cảnh tán gia bại sản vì chữa bệnh hiểm nghèo, hay kinh tế suy kiệt khi trong nhà có người tàn phế…
Tuy nhiên, thay đổi lớn lao đó, viễn cảnh tươi sáng đó chỉ có thể thành hiện thực nếu việc thực hiện quy định cấm lái xe khi cơ thể có cồn được cảnh sát giao thông áp dụng quyết liệt mọi lúc, mọi nơi, thay vì chỉ tuần tra kiểm soát và xử phạt nồng độ cồn gắt gao trong các chiến dịch, các đợt cao điểm như lâu nay.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.
Bình luận