Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà: Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước

Chính trịThứ Năm, 20/05/2021 07:11:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng hiện tượng một người đi bỏ phiếu thay cho cả gia đình không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm với bản thân mà còn với đất nước.

Chỉ còn vài ngày nữa, gần 70 triệu cử tri trên cả nước sẽ bỏ phiếu bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực tế các kỳ bầu cử vừa qua vẫn ghi nhận cá biệt việc bầu hộ, bầu thay. Có hiện tượng một người đem phiếu của cả gia đình đi bầu.

Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước

Trả lời VTC News về việc này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, để xảy ra câu chuyện một người đi bầu thay cho cả gia đình thì các tổ bầu cử phải xem xét. 

Nếu xảy ra tình trạng này thì chính tổ bầu cử tạo điều kiện cho cử tri làm sai chứ không phải họ tự nhiên làm sai được. Quan trọng nhất theo tôi là kiểm soát của tổ bầu cử”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Theo quy định, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định. Khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay, mỗi cử tri khi đi bỏ phiếu không chỉ là nghĩa vụ mà phải tự mình suy nghĩ, lựa chọn người đủ đức đủ tài.

Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà: Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước - 1

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre).

“Tránh tình trạng chọn người không xứng đáng rồi sau này tự mình đánh mất quyền lợi của mình”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Bản thân những người đó tự triệt tiêu quyền lợi của mình vì ngay từ đầu họ vô trách nhiệm với lá phiếu bầu cử, bầu ra người không xứng đáng nên không yêu cầu được họ điều gì. Đây là một trong những vấn đề mà cử tri  phải hiểu rõ”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định hiện tượng một người thay mặt cả gia đình chủ yếu xuất hiện ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Lý do có thể do bận việc, do đường xá xa xôi hay khách quan như sức khoẻ, nhưng lý do chủ yếu vẫn là do ý thức trách nhiệm của người dân với lá phiếu của mình.

Hệ thống chính trị ở nơi đó cũng làm không đến nơi đến chốn để người dân coi việc đi bầu cử là bình thường, không thấy ý nghĩa và tầm quan trọng lá phiếu của mình với vận mệnh của đất nước và trách nhiệm xây dựng nhà nước”, ông Túc nói.

Ông Nguyễn Túc cho rằng ở các thành phố lớn như Hà Nội, việc tổ chức bầu cử được làm tốt do có sự giám sát của các cơ quan cấp trên thường xuyên hơn, ý thức của các đồng chí ở các tổ cũng cao hơn.

Tuy nhiên ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, những hiện tượng này còn xảy ra. Có những đơn vị do thành tích hoặc nể nang mà chấp nhận cho bầu thay.

Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà: Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước - 2

Ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh việc bầu hộ, bầu thay không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân mà còn là sự vô trách nhiệm với đất nước.

“Khi bầu cử Quốc hội lần đầu tiên tháng Giêng năm 1946, Bác Hồ nói đây là quyền lợi lớn lao nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, vì đã có biết bao thế hệ hy sinh để đất nước giành được độc lập, và giành được độc lập thì mới có quyền bầu cử và ứng cử.

Bây giờ được quyền lợi đó rồi thì trách nhiệm phải làm sao dùng là phiếu để lựa chọn những người có đức, có tài, có tâm, có tầm phụng sự đất nước chứ không thể vô trách nhiệm với đất nước, để bầu ai cũng được”, ông Túc nói.

Ngoài ra, ông Túc cũng nhấn mạnh việc không đi bầu thì sẽ không biết lá phiếu của mình bầu cho ai, không biết ai trúng cử và không thể đòi hỏi quyền lợi và giám sát được những đại biểu ở khu vực mình bầu ra.

Chia sẻ với PV VTC News, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định, về nguyên tắc, việc bầu hộ, bầu thay, một người đi bỏ phiếu thay cho cả nhà là không được phép, không đúng quy định của pháp luật.

Ông Cường lý giải có hiện tượng này là do người dân không hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Việc bỏ phiếu bầu cử bên cạnh là quyền lợi thì còn là nghĩa vụ của cử tri để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

“Và để thực hiện quyền và nghĩa vụ này thì cử tri phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ bỏ phiếu, trực tiếp lựa chọn người mà mình tin tưởng”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho rằng, ngoài việc mỗi cử tri chưa ý thức được hết quyền và nghĩa vụ của mình thì ở các tổ bầu cử vẫn còn câu chuyện nể nang.

Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà: Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước - 3

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền cho kỳ bầu cử sắp tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đẩy mạnh thông tin để mỗi công dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tránh hiện tượng bầu hộ, bầu thay.

“Ở địa bàn, yêu cầu đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong quá trình chỉ đạo triển khai công tác bầu cử phải quán triệt và đề nghị đối với các khu dân cư có trao đổi để mỗi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Các tổ chức, cơ quan đơn vị tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ, trên cơ sở đó thực hiện quyền đi bầu để Ngày bầu cử 23/5 tới sẽ đạt tỷ lệ đi bầu cao nhất, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp 2021-2026”, ông Cường nói.

Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà: Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước - 4

ha_ssy_dong_vov_ifxp copy.jpg

Không thể thỏa hiệp, đồng tình với hiện tượng bầu hộ, bầu thay cho dù có viện giải các lý do gì đi nữa.

Ông Hà Sỹ Đồng

Cũng có cùng quan điểm trên, trả lời VTC News, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện tượng một người đi bầu cử hộ cho cả nhà là tình trạng diễn ra nhiều năm nay.

Thậm chí, hiện tượng này diễn ra ở cả những thành phố lớn chứ không chỉ vùng sâu vùng xa.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định không thể thỏa hiệp, đồng tình với hiện tượng này, cho dù có viện giải các lý do gì đi nữa.

“Theo tôi bầu cử thể hiện quyền công dân của mỗi người, thể hiện tính khách quan, dân chủ và công bằng. Do vậy, tốt nhất là từng cá nhân nên tự đi bầu cử để lựa chọn ứng cử viên mà bản thân thấy là phù hợp nhất và chỉ uỷ quyền cho người khác đi bầu cử thay khi đi công tác đột xuất không về kịp, đau ốm…”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói.

Không thoả hiệp việc đi bầu cử hộ

Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, hiện nay không có chế tài xử lý nào thích đáng cho việc này, cũng chưa có trường hợp nào bị xử lý mà cơ bản ở ý thức tự giác.

Điều cốt yếu là phải tuyên truyền, giác ngộ giúp người dân hiểu việc tự mình cầm lá phiếu đi bầu cử sẽ mang lại những hiệu quả hay bất lợi gì sau này để họ tham gia đầy đủ, nghiêm túc”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Trong khi đó, là người có nhiều kinh nghiệm giải quyết công việc liên quan đến công tác bầu cử ở địa phương, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng các tổ bầu cử phải tích cực tuyên truyền, công khai minh bạch phổ biến lý lịch, tiểu sử của các ứng cử viên đến cử tri.

Trước khi cử tri đi bỏ phiếu thì tổ bầu cử nên hướng dẫn họ quan sát kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để đưa ra lựa chọn một cách khách quan.

Và điều quan trọng nhất là tổ bầu cử phải giám sát chặt chẽ hiện tượng này, tuyệt đối không thỏa hiệp với chuyện đi bầu cử hộ”, ông Đồng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, hiện nay pháp luật chưa có chế tài về việc xử lý hiện tượng một người đi bầu cử thay cho cả nhà nên biện pháp xử lý khả quan nhất lúc này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cử tri, từng gia đình để tự họ ý thức cao hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi bầu cử.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Túc cũng khẳng định để khắc phục tình trạng bầu hộ, bầu thay, ngoài việc tăng cường tuyên truyền vận động người dân đến các tổ bầu cử thì vấn đề chính phải có sự đôn đốc và giám sát.

Đến ngày bầu cử, hệ thống chính trị tại đơn vị bầu cử từ Bí thư chi bộ, ban công tác mặt trận đến các hội, đoàn thể phân công đến đôn đốc tới từng nhà, từng người. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức thành viên của hệ thống chính trị tại địa bàn để hạn chế tối đa câu chuyện bầu hộ, bầu thay.

Các tổ bầu cử cần dứt khoát không chấp nhận chuyện một cử tri mang phiếu bầu thay cho cả nhà, cho nhiều người khác và nếu làm nghiêm có thể thực hiện được”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Xuân Trường - Nguyễn Huệ- Nguyễn Vương
Bình luận
vtcnews.vn