Ngày 15/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa có báo cáo nhanh về công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 14/1.
Theo báo cáo, tính đến 19h ngày 14/1, tổng số 1.882 gia súc (800 trâu, 548 bò, 80 lợn, 04 ngựa, 450 dê) và 335 gia cầm bị chết rét (Hà Giang: 7 trâu; Cao Bằng: 20 trâu, 5 bò, 3 ngựa; Lào Cai: 230 trâu, 15 bò; Yên Bái: 43 trâu, 6 bò, 4 lợn, 7 dê; Lạng Sơn: 1 trâu, 1 bò, 10 lợn, 10 dê; Điện Biên: 129 trâu, 50 bò; Lai Châu: 114 trâu, 8 bò, 4 dê; Sơn La: 153 trâu, 149 bò, 16 lợn, 01 ngựa, 29 dê, 335 gia cầm; Nghệ An: 15 trâu, 4 bò, 9 lợn, 3 dê; Quảng Trị: 52 trâu, 38 bò, 41 lợn, 244 dê; Thừa Thiên Huế: 36 trâu, 272 bò, 153 dê).
Bên cạnh đó, 108 ha rau màu (Lào Cai: 93; Lai Châu: 15), 1.050 chậu địa lan (tại Lào Cai) bị thiệt hại.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 16-17/1, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ có rét đậm, rét hại trở lại, từ ngày 18/1 cường độ rét sẽ giảm dần.
Từ 19h ngày 13/1 đến 7h ngày 15/1, cả nước hầu như không mưa hoặc lượng mưa nhỏ không đáng kể.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 01/CĐ-TW ngày 7/1/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Đồng thời, các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh; tăng cường thông tin để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng, tránh.
Các địa phương cần tổ chức kiểm tra công tác ứng phó rét đậm, rét hại tại các khu vực trọng điểm vùng cao, đảm bảo an toàn cho người, cảnh báo người dân không sưởi bằng lò đốt than trong nhà kín; căn cứ thời tiết cụ thể chủ động cho học sinh nghỉ học.
Bình luận