Năm 2009, bà Trần Ngọc Dung (66 tuổi) đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc được vinh danh là nhân vật truyền cảm hứng của năm. Thời điểm đó, người mẹ 50 tuổi gây xúc động bởi câu chuyện mỗi ngày chạy 10 km, chỉ ăn nắm cơm nhỏ với mục tiêu giảm cân để có thể hiến gan cứu con.
Con trai bà Trần là Diệp Hải Vũ. Từ năm 13 tuổi, anh được chẩn đoán mắc Wilson - căn bệnh lạ gây tích tụ quá nhiều đồng trong cơ thể dẫn đến nhiễm độc cơ thể. Đây là bệnh bẩm sinh, có từ khi Vũ sinh ra song đến thời điểm đó mới phát bệnh.
Lượng đồng tích tụ trong cơ thể khiến con trai bà Trần ngày càng yếu, ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau, có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Một đêm năm 2005, khi hai vợ chồng đang ngủ, bà Trần nghe tiếng con trai ho. Đi sang xem, vợ chồng hốt hoảng khi thấy Vũ nôn ra máu. Hai người lập tức đưa con đi cấp cứu.
Bác sĩ cho biết, bệnh tình của Vũ đã rất trầm trọng, song với mức chi phí y tế khổng lồ, gia đình bà tạm thời chưa thể chi trả. Họ chỉ có thể để con được điều trị cầm chừng. Trong suốt thời gian đó, gia đình đã phải dồn hết tiền, bán nhiều của cải để dồn cho viện phí.
Ít năm sau, bệnh tình của Vũ ổn định hơn nhờ thực hiện tốt phác đồ điều trị kết hợp với sự chăm sóc tận tình của gia đình. Anh kết hôn và sinh con. Song thời gian bình yên không kéo dài, cuối năm 2008, anh một lần nữa bị nôn ra máu, bệnh tình chuyển xấu đột ngột.
Người mẹ quyết định cắt một phần gan để hiến cho con trai. Song bác sĩ kết luận gan của bà Trần bị nhiễm mỡ nặng nên không thể hiến. "Nếu muốn hiến gan, bà phải giảm cân để loại bỏ tình trạng nhiễm mỡ, như vậy ca phẫu thuật mới có hy vọng thành công", bác sĩ nói.
Với tâm nguyện lớn nhất là cứu sống con trai, bà Trần quyết tâm giảm cân bằng cách chạy bộ và ăn kiêng. Mỗi ngày bà chạy bộ trên con đập dài gần 5 km gần nhà, hai lần sáng và tối. Bà cũng dậy từ 5h sáng để tập thể dục.
"Tôi già rồi nên không thể chạy được nữa, chỉ có thể đi bộ nhanh thôi", bà Trần kể.
Một người trong làng kể với phóng viên rằng dù đi bộ rất khó để giảm cân được nhưng bà Trần đã nỗ lực hết sức. "Mỗi buổi sáng tôi đi tập thể dục trên đê đều gặp bà Trần, bà ấy là người đi bộ nhanh nhất tôi từng thấy", người này nói.
Bà Trần cũng ăn kiêng bằng cách bỏ hẳn dầu mỡ, không ăn thịt, mỗi bữa chỉ ăn lượng cơm nhỏ bằng nửa nắm tay.
Kết quả, sau 200 ngày kiên trì tập luyện, bà giảm từ 66kg xuống còn 60 kg, tình trạng gan nhiễm mỡ đã gần như biến mất. Sau gần 7 tháng chạy bộ, 4 đôi giày thể thao của bà nát tươm, bung gót.
Khi xác nhận sức khỏe của bà, bác sĩ phải thốt lên "Thật kỳ diệu". Các bác sĩ không thể tin được chỉ sau thời gian ngắn, chứng gan nhiễm mỡ có thể biến mất.
Năm 2009, bà vào phòng phẫu thuật cùng con trai để thực hiện ca ghép gan. Ca phẫu thuật thành công, cả hai mẹ con đều phục hồi tốt. Tháng 11 cùng năm, Vũ được xuất viện.
Câu chuyện của bà Trần nhanh chóng thành top từ khóa tìm kiếm trên mạng xã hội lúc bấy giờ. Bà được mọi người gọi bằng biệt danh "Run mom" (tạm dịch: Người mẹ chạy bộ). Năm 2012, câu chuyện truyền cảm hứng của hai mẹ con được dựng thành phim.
Nhiều dân mạng gửi lời chúc mừng, cảm ơn bà mẹ tuyệt vời. Biết được sự khó khăn của gia đình, các nhà hảo tâm cũng gửi tiền hỗ trợ.
Theo The Paper, dù ghép gan thành công nhưng Vũ vẫn phải chịu nhiều cơn đau hành hạ. Anh tiếp tục phải dùng thuốc chống thải gan sau ghép với chi phí 2.000 nhân dân tệ (hơn 6,5 triệu đồng) mỗi tháng.
6 năm đầu tiên sau ghép gan, bà Trần không cho con trai ra ngoài làm việc để anh được hồi phục tốt nhất. Một mình bà tự mở sạp rau để kiếm thêm thu nhập, bên cạnh tiền lương hưu của chồng.
Vũ cho biết anh cảm thấy may mắn, cũng nợ mẹ rất nhiều. Sức khỏe yếu nên annh cố gắng tìm kiếm công việc phù hợp với mình để giảm gánh nặng cho gia đình.
Đến nay, sau 11 năm, câu chuyện của bà Trần vẫn được nhắc lại và khiến dân mạng không khỏi xúc động, ngưỡng mộ. Bà trở thành khách mời của nhiều buổi tọa đàm, nói chuyện trên truyền hình, mang đến thông điệp tích cực.
"Cân nặng của tôi đã tăng lên bằng lúc trước phẫu thuật nhưng không còn bị gan nhiễm mỡ nữa, huyết áp có cao một chút. Mỗi sáng tôi vẫn dậy để đi bộ, tập thể dục. Buổi tối tôi cùng khiêu vũ với những người trong làng", bà Trần kể.
Bình luận