Theo ông ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là 1 trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam.
Việc Việt Nam tham gia vào một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA với một đối tác lớn như EU đã tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực tiềm năng đi kèm với mức độ áp dụng công nghệ cao vào những lĩnh vực đó.
Có thể nói đến việc hợp tác với EU trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đây là lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam có thể nhận được sự chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biên nông sản, thực phẩm.
Thống kê từ Bộ Công Thương, sau 1 năm thực thi, trao đổi thương mại song phương giữa hai bên đã có những tăng trưởng tích cực. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 khi Hiệp định chưa có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu tăng 18,3%, đạt 19,4 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 19,1%, đạt 8,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; dệt may; rau quả; thuỷ sản; gạo; cà phê…
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Trên thực tế, chỉ 5 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng lưu ý, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020 đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những con số tăng trưởng xuất khẩu sang EU là minh chứng cho sự khai thác hiệu quả các thị trường theo EVFTA của các doanh nghiệp.
Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận của ngành công thương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về EVFTA và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng ưu đãi qua Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do (FTA Portal), mạng Internet, Facebook...
Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng đã nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, kịp thời thông tin để các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.
Ngoài những điểm tích cực trên, EVFTA còn giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế. Thống kê cho thấy, trong năm 2019 và 2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm thêm 205 điều kiện kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cho giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Bộ sẽ bám sát vào các nguyên tắc lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Bình luận