Năm 2020, không ít dự án giao thông lớn hoàn thành, được dư luận đánh giá cao.
Dự án cải tạo cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long được bắt đầu sửa chữa vào cuối tháng 7/2020. Tổng cục Đường bộ là đơn vị được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 270 tỷ đồng.
Sau hơn 20 năm vận hành, Cầu Thăng Long lần đầu tiên công trình được sửa chữa tổng thể mặt đường ôtô, phần lề người đi hai bên, khe co giãn và hệ thống thoát nước trên cầu.
Quá trình sửa chữa, cầu Thăng Long được cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, sau đó, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, diện tích mặt cầu phải sửa chữa những năm qua khoảng trên 10.500m2, tương đương khoảng 40% diện tích mặt cầu.
Sau 5 tháng sửa chữa, sáng 7/1/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các ban ngành tổ chức thông xe cầu Thăng Long. Các phương tiện được phép lưu thông với tốc độ tối đa 80km/giờ, khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm TP.Hà Nội đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận.
Dự án cải tạo sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Hai dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài tổng đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng hoàn thành giai đoạn một, chiều 10/1/2021 để đảm bảo phục vụ Tết.
Giai đoạn một, sân bay Nội Bài cải tạo 3.000 m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước. Giai đoạn hai sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất hạ cánh 1B và hoàn thiện đường 1A, các đường lăn nối dự kiến hoàn thành trước 31/12/2021.
Tại Tân Sơn Nhất, dự án tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn một, công trình thi công sửa đường băng 25R/07L, dài 3 km, rộng gần 46 m và cải tạo, xây mới bốn đường lăn nối E1, NS1, W6, W4. Ngoài ra làm đồng bộ hệ thống đèn hiệu, biển báo hàng không, trạm điện... Việc thử nghiệm đường băng mới được thực hiện 5 ngày hồi cuối tháng 12/2020 để kiểm tra các thiết bị giám sát hàng không, đánh giá độ chính xác của hệ thống...
Tại sân bay Nội Bài, vốn cho dự án cũng hơn 2.000 tỷ đồng, thực hiện nâng cấp hai đường băng 1A và 1B; cải tạo, xây mới các đường lăn thoát nhanh cùng công trình phụ trợ... Giai đoạn một, đường băng 1B, dài 3 km, bị xuống cấp nghiêm trọng hơn nên được làm trước. Các đường lăn nối, hệ thống thoát nước... cũng được thi công đồng bộ.
Dự án hầm Hải Vân 2
Ngày 11/1, tại Đà Nẵng, Bộ GTVT và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2.
Hầm đường bộ Hải Vân 2 là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, gồm hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân với tổng mức đầu tư ban đầu cho cả 4 dự án là 26.154 tỷ đồng. Trong đó, dự án hầm Hải Vân được phê duyệt gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 (sau hơn 10 năm khai thác) đã hoàn tất. Giai đoạn 2 khởi công hầm Hải Vân 2 với chiều dài toàn tuyến 12,4km, riêng chiều dài hầm là 6,2km.
Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 có tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng, gồm nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân; mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với 2 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe.
Hầm Hải Vân 2 dài 6,2 km được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1, góp phần đảm bảo an toàn giao thông giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Sáng 11/10, Bộ GTVT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc tuyến đường vành đai 3.
Đây là một trong những đoạn đường có lượng phương tiện qua lại dày đặc, nhất là vào giờ cao điểm, ở thủ đô.
Do lưu lượng giao thông lớn trên vành đai 3 nên Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án xây dựng đường trên cao và đường mở rộng bên dưới dài 5,5 km, tổng mức đầu tư gần 8.500 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến từ cầu vượt Mai Dịch, điểm cuối của tuyến đường giao với cầu Thăng Long.
Đường mở rộng bên dưới quy mô 6 làn xe đã hoàn thành vào tháng 10/2019, còn đoạn cao tốc trên cao quy mô 4 làn xe có tổng vốn đầu tư 5.340 tỷ đồng, đã hoàn thành vào tháng 10 năm 2020.
Sau khi hoàn thành, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ khép kín vành đai 3 Hà Nội, giúp các phương tiện từ các tỉnh phía Bắc đi đến phía Nam và ngược lại không phải qua trung tâm, giảm được thời gian lưu thông và ùn tắc trong nội đô.
Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi
Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là tuyến cao tốc thứ hai được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long, sau tuyến TP HCM - Trung Lương.
Dự án này điểm có đầu kết nối với cầu Vàm Cống (Cần Thơ), điểm cuối nối với tuyến tránh TP Rạch Giá (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), được đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc hơn 4.500 tỷ đồng (200 triệu USD), còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách.
Dự án quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 km/h, 4 làn xe, có dải phân cách cứng, kết cấu mặt đường láng nhựa. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư với quy mô 6 làn xe và mặt đường bê tông nhựa, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Theo quy hoạch, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ kết nối với dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, Vàm Cống và đường nối hai cầu dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cao tốc này còn kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TP HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và tận mũi Cà Mau mà không phải qua quốc lộ 1A. Dự án góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận