Video: Toàn cảnh cầu Thăng Long ngày thông xe
Sau 5 tháng sửa chữa, sáng 7/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các ban ngành tổ chức thông xe cầu Thăng Long.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cùng nhà thầu và các bên liên quan cắt băng lễ thông xe.
Sau lễ khánh thành, xe cộ bắt đầu đi qua cầu từ 10h. Tốc độ lưu thông tối đa là 80km/h.
Trong 5 tháng qua, các công đoạn thi công sửa chữa mặt cầu bao gồm cào bóc lớp mặt đường hư hỏng, vệ sinh bản thép mặt cầu, hàn đinh neo, thảm bê tông siêu tính năng, bê tông nhựa, sửa chữa các khe co giãn được công nhân khẩn trương thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các kỹ sư Viện Khoa học và Công nghệ GTVT thuộc Bộ GTVT.
Sau khi hoàn tất việc đổ bê tông nhựa siêu tính năng UHPC, nhà thầu đã thảm bê tông nhựa Polime với chiều dài thảm mỗi ngày là 1/2 liên dài 336m với diện tích 2.800m2. Lớp thảm bê tông nhựa Polime sẽ được liên kết với mặt bê tông siêu tính năng UHPC bằng một lớp keo bám dính epoxy. Nhiệt độ nhựa khi thảm luôn được kiểm tra liên tục để đảm bảo luôn đạt nhiệt độ theo quy định.
Theo nhà thầu, các công nhân bắn gần 1,5 triệu chiếc đinh 50mm hàn vào bản mặt cầu, sau đó lắp lưới thép. Các công đoạn này do Công ty cổ phần Thương mại Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng đảm nhiệm.
Trên cầu có 6 khe co giãn. Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc sửa chữa cầu Thăng Long có quá trình thi công khá công phu.
Cầu Thăng Long khi đưa vào khai thác sẽ kết nối với đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, góp phần giảm tải cho cầu Nhật Tân.
Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng. Từ năm 2009, cầu trải qua vài lần sửa chữa nhưng vẫn không xử lý được triệt để. Năm 2020, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư được phê duyệt với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng.
Đăng Khoa
Bình luận