Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, những năm tới khuyến khích các trường đại học (ĐH) tổ chức thi riêng theo nhóm hoặc thành lập các trung tâm khảo thí. Bộ sẽ có phương án để các kỳ thi này nhẹ nhàng nhưng đánh giá thực chất thí sinh; không tăng áp lực, không thay đổi đột ngột với thí sinh đã quen với cách thi hiện nay.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc có thể làm ngay là hai đại học quốc gia, các đại học vùng củng cố, xây dựng một hệ thống các trung tâm khảo thí. Đặc biệt, các ĐH vùng sẽ đóng vai trò là hạt nhân cho hoạt động kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh.
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho rằng, đã đến lúc các trường ĐH có sức cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ, trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng, thực hiện phương án tuyển sinh ĐH phù hợp mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, nên tách bạch hai kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích quá khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh ĐH lại mang tính chuyên sâu nên không thể dùng 1 kết quả để đạt được 2 mục tiêu như những năm vừa qua.
Hiện nay, kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở giáo dục ĐH hay bài kiểm tra tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội là hướng đi đúng đắn để chọn được sinh viên vào học phù hợp.
“Nếu tháo khoán cho các trường tổ chức kỳ thi sẽ dẫn đến tình trạng giống như trước đây là “3 chung”, nhà nhà tổ chức luyện thi, trường nào cũng tổ chức thi. Vì vậy, cần sự định hướng của Nhà nước để không có quá nhiều kỳ thi. Chỉ cần 4-5 bài thi nhưng đủ đa dạng đáp ứng yêu cầu khác nhau của các trường”, ông Phương nêu quan điểm. Theo ông, bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể hợp với khối trường đào tạo tự nhiên hay kỹ thuật. Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội rộng hơn, phù hợp các ngành khoa học xã hội…
Nhưng theo ông Phương, yêu cầu có ngay các trung tâm khảo thí hay các bài thi chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của các trường trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam là không khả thi, cần giai đoạn chuyển tiếp. Với thời điểm này, cần thực hiện song song hai hình thức.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT điều chỉnh lại kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng trước mắt phải sàng lọc những thí sinh khá, giỏi, xuất sắc để các trường có căn cứ xét tuyển; đưa ra chính sách từng bước xây dựng các trung tâm khảo thí để 3-4 năm tới đại trà hóa các bài thi, khuyến khích nhóm các trường ĐH sử dụng các kỳ thi phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo.
Ông cho rằng, các trường ĐH tốp giữa của Việt Nam đang tối đa hóa các hình thức tuyển sinh để thu hút thí sinh. Vì vậy, điều chỉnh bài thi tốt nghiệp THPT là để giảm áp lực tuyển sinh cho các trường tốp trên.
Tách các trung tâm khảo thí
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nêu quan điểm, việc tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm trường trong bối cảnh hiện nay là hợp lý. Thực tế những năm qua cho thấy, nếu không có kỳ thi THPT quốc gia (kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay), các trường ĐH tự tổ chức kỳ thi sẽ gây tốn kém, lãng phí không cần thiết cho thí sinh và toàn xã hội.
Theo ông Nghĩa, dù không có quy mô toàn quốc và hoàn thiện về quy chế hoạt động như kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức được gần 70 trường phía Nam dùng chung kết quả để xét tuyển cũng có thể xem là một mô hình về xét tuyển chung theo nhóm trường.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT, nói rằng, lẽ ra Bộ GD&ĐT phải xây dựng xong trung tâm khảo thí độc lập từ lâu. Ông Tùng nhấn mạnh, trung tâm khảo thí độc lập phải không phụ thuộc bất cứ đơn vị giáo dục ĐH nào. Hiện có 2 trung tâm khảo thí nhưng thuộc 2 ĐH quốc gia. Như vậy, nhiệm vụ chính của 2 trung tâm này là phục vụ tuyển sinh cho chính 2 ĐH Quốc gia. Muốn các trường sử dụng bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển thì các trung tâm khảo thí này phải độc lập và bài thi phải được chuẩn hóa. Kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
TS Phương nêu ví dụ, dù trong cùng hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM, nhưng một số trường thành viên vẫn tổ chức thêm một kỳ đánh giá năng lực dù vẫn xét tuyển kết quả thi của ĐH “mẹ”. Điều này chứng tỏ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM chưa đáp ứng được yêu cầu xét tuyển của các trường, thậm chí ngay chính trường ĐH trực thuộc.
TS Phạm Ngọc Duy (hiện công tác tại Trung tâm Dịch vụ Khảo thí Hoa Kỳ) nói rằng, đa số các trường xếp hạng cao ở Mỹ yêu cầu ứng viên nộp điểm các bài thi chuẩn hóa như SAT, ACT. Trong khi đó, các trường có thứ hạng thấp hơn hoặc thiên về nghệ thuật thường không bắt buộc ứng viên nộp các điểm này. Ngoài ra, các trường có thể có chỉ tiêu, tiêu chí riêng cho một số nhóm sinh viên mà trường ưu tiên tuyển.
Ðể tuyển được sinh viên phù hợp, đa số các trường đại học của Mỹ đều yêu cầu ứng viên chuẩn bị và nộp hồ sơ tuyển sinh, trong hồ sơ có nhiều thông tin về ứng viên như kết quả học tập ở phổ thông, thành tích hoạt động ngoại khóa, bài luận cá nhân, điểm các bài thi chuẩn hóa, kết quả học tập một số khóa học nâng cao (nếu có). Có trường sẽ đọc toàn bộ hồ sơ rồi phân loại thành các nhóm như chấp nhận, cần xem xét thêm, từ chối. Có trường có các thang đo để chấm điểm từng hồ sơ theo các tiêu chí được ban tuyển sinh thống nhất.
Bình luận