• Zalo

Điểm chuẩn đại học tăng 'phi mã', nên bỏ quy định cộng điểm ưu tiên?

Diễn đànThứ Tư, 22/09/2021 14:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Có thí sinh đạt điểm cao nhưng không đỗ đại học, trong khi thí sinh được cộng điểm ưu tiên lại đỗ, vậy có nên bỏ quy định cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển?

Ranh giới giữa đỗ và trượt đại học chỉ cách nhau 0,1 điểm. Để được suất thành tân sinh viên trường đại học danh giá, học sinh phải nỗ lực liên tục trong 3 năm bậc THPT. Tuy nhiên, trong quá trình xét tuyển, việc đỗ hay trượt không chỉ phụ thuộc vào năng lực mà còn do may mắn giữa thí sinh cộng điểm nhiều và thí sinh cộng điểm ít.

Bất công với nhiều thí sinh

Cô Phan Tuyết, giáo viên ở Bình Thuận cho rằng, bi kịch điểm chuẩn 29,5 hay 30 vẫn trượt đại học một phần là do cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học. Do điểm ưu tiên mà điểm trúng tuyển vào một số trường đại học vượt qua ngưỡng 30/30.

Điển hình như Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy 30,5 điểm ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao - ngành học điểm chuẩn cao nhất cả nước. Tổng điểm cộng ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT tối đa là 2,75. Như vậy, tối thiểu thí sinh phải đạt 27,75 ba môn trong tổ hợp mới có thể trúng tuyển.

Cô cho rằng, cộng điểm ưu tiên ảnh hưởng nhiều đến việc xét tuyển và không công bằng với học sinh ở thành phố học giỏi nhưng chỉ thiếu chút may mắn vì không có điểm cộng.

"Từng có thí sinh N.P.H. (Thạch Thất, Hà Nội) đạt 29,15 điểm vẫn trượt Đại học Y Hà Nội do thiếu 0,05 điểm. Không những thất vọng về kết quả, thí sinh này cũng bức xúc trước việc cộng điểm ưu tiên khu vực không công bằng đối với những thí sinh khu vực thành phố - những thí sinh không bao giờ được cộng điểm ưu tiên. Còn những bạn khác ở nông thôn đạt 26,5 điểm, thêm 2,75 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ", cô lấy ví dụ.

Trong thực tế, nếu so sánh hai học sinh đạt 29,25 và 26,5, lực học rất khác nhau. Nhưng thí sinh thấp điểm thi hơn lại đỗ do được cộng điểm ưu tiên, còn em điểm cao lại bị trượt. Đỗ vào trường đại học danh giá, rất cần những thí sinh năng lực giỏi, ai giỏi hơn người đó sẽ chiến thắng mới xứng đáng.

Điểm chuẩn đại học tăng 'phi mã', nên bỏ quy định cộng điểm ưu tiên? - 1

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)

"Quy định cộng điểm ưu tiên đang tạo ra yếu tố may rủi trong xét tuyển và thật không công bằng cho những em học sinh giỏi hiện nay", cô Tuyết nhận định và cho rằng cần bỏ quy định cộng điểm ưu tiên. Bởi việc học tập giữa các vùng miền trong cả nước hiện nay không còn chênh lệch quá nhiều. Học sinh miền núi cũng có thể đăng ký học với thầy giáo giỏi ở thủ đô và chuyện này diễn ra từ nhiều năm nay.

Còn với những học sinh thuộc diện gia đình có công với cách mạng, con thương binh, liệt sĩ, Bộ GD&ĐT, các trường nên có chính sách cấp học bổng hay miễn giảm tiền đóng học phí thay vì cộng điểm trong xét tuyển.

Bỏ điểm cộng?

Đồng quan điểm, TS Nghiêm Thuý Hằng, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn bày tỏ, cộng điểm vùng miền và đối tượng ưu tiên trong xét tuyển đại học tạo nên bất công cho thí sinh, đặc biệt là ở những ngành học điểm chuẩn cao.

Có nên bỏ cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học?

Điển hình ngành Hàn Quốc của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội 30 điểm khối C, ngành Xây dựng lực lượng của Học viện Chính trị Công an nhân dân 30,34 điểm khối C (với nữ). Trong khi đó, ở tổ hợp xét tuyển C00, năm nay chỉ ghi nhận 2 thủ khoa đạt tổng điểm 29,25 điểm, còn điểm chuẩn các ngành trên đều cao hơn. Vậy nếu hai thủ khoa này đăng ký xét tuyển vào những ngành trên mà không có điểm cộng, chắc chắn sẽ trượt nguyện vọng.

Sự bất công này đi ngược lại xu thế chung của thế giới. Như Trung Quốc, thay vì cộng điểm ưu tiên cho thí sinh vùng khó khăn, họ sẽ ưu tiên các thí sinh hộ khẩu Bắc Kinh. Bởi các trường đại học đặt trụ sở chính ở Bắc Kinh, chính quyền thành phố tài trợ nhiều nhất cho các trường về quỹ đất, thuế, ngân sách, chính sách đãi ngộ. Thí sinh ở các địa phương khác muốn xét tuyển vào các trường đại học này cần phải đạt điểm cao hơn các thí sinh Bắc Kinh. 

Đây cũng là chính sách tốt giúp giãn đều thí sinh đến các trường đại học vùng, đại học của địa phương, chứ không đổ dồn về thành phố trung tâm.

Trong khi đó, Việt Nam ngược lại, ưu tiên thí sinh vùng sâu, vùng xa mà bỏ quên học sinh hộ khẩu ở Hà Nội, TP.HCM, khiến các em khá thiệt thòi và lãng phí tài năng. 

Vài năm trước đây, chính sách cộng điểm ưu tiên khuyến khích học sinh vùng khó và tạo công bằng trong xét tuyển đại học. Tuy nhiên, giờ đây khi đất nước phát triển, cuộc đua vào đại học ngày càng khắc nghiệt, để mùa tuyển sinh các năm sau không xảy ra tình trạng điểm vượt ngưỡng tuyệt đối, chúng ta nên xem xét lại chính sách điểm cộng.

TS Nguyễn Thuý Hằng đề xuất hai hướng giải quyết điểm cộng ưu tiên. Thứ nhất, siết điểm cộng tối đa từ 2,75 xuống 1 điểm. Không để điểm cộng làm ảnh hưởng lớn đến thứ tự xếp hạng cũng như cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học của thí sinh. Ranh giới của đỗ và trượt chỉ cách nhau 0,1 điểm. Nếu cộng nhiều điểm, bất cập càng lớn và bất công càng nhiều giữa thí sinh thành phố và nông thôn.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT có thể bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên hoặc trao quyền quyết định cho các trường đại học trong xét tuyển. Tuy nhiên việc giao quyền này cũng cần quy định khung điểm tối thiểu và tối đa để tránh lạm phát.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn