• Zalo

'Làm giám đốc Sở GD&ĐT 3 năm, chưa bổ sung được biên chế nào'

Diễn đànThứ Tư, 10/08/2022 09:46:43 +07:00Google News

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, trong 3 năm qua chưa bổ sung được biên chế nào dù ngành giáo dục tỉnh thiếu hơn 7.800 giáo viên.

Ngày 18/7, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. 

Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. 

Để triển khai thực hiện tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023.

'Làm giám đốc Sở GD&ĐT 3 năm, chưa bổ sung được biên chế nào' - 1

Trao đổi với VietNamNet, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, việc Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nhằm mục đích các địa phương chú ý, giúp ngành giáo dục triển khai tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu.

“Chúng tôi rất vui, phấn khởi bởi việc này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đến việc tuyển dụng đủ giáo viên, với sự nghiệp giáo dục, đúng với tinh thần xác định đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục”.

Theo ông Thành, hiện, tỉnh Nghệ An thiếu 7.843 giáo viên và cũng từng đề xuất bổ sung từ năm 2020. Tuy nhiên, không hề được bổ sung một suất biên chế.

“Những người tuyển mới chỉ là tuyển bù vào vị trí của các giáo viên nghỉ hưu. Đây chỉ là việc nội bộ của ngành, mà không bổ sung thì lấy đâu ra người dạy. Còn bổ sung mới để bù vào số thiếu hoặc để dạy các môn học mới là chưa hề có. Từ khi tôi đảm nhiệm Giám đốc Sở GD&ĐT đến nay đã 3 năm nay, nhưng chưa được bổ sung thêm một chỉ tiêu biên chế giáo viên nào”, ông Thành chia sẻ.

Kể cả khi có chỉ tiêu, việc khẩn trương tuyển 27.850 giáo viên cho năm học mới 2022 - 2023 không hề đơn giản. 

Theo ông Thành, việc tuyển giáo viên “khó nhanh” bởi quy trình phải qua nhiều khâu, gồm giao chỉ tiêu biên chế về cho các huyện, thị từ Sở Nội vụ, sau đó phải tổ chức hướng dẫn thi tuyển. Trước khi thi tuyển cũng phải công bố thông tin công khai trong một khoảng thời gian để ứng viên được biết, nộp hồ sơ,... Sau đó mới đến thi tuyển, tiếp đó là trình cấp trên phê duyệt kết quả rồi mới ký hợp đồng vào làm việc. 

“Hiện, Nghệ An đang thiếu nhiều giáo viên nhưng để phân bổ xong thì chưa biết đến lúc nào, chứ không phải ngày một ngày hai là có. Từ giờ đến cuối năm 2022, chưa chắc ngành nội vụ đã phân bổ xong biên chế ngành giáo dục”, ông Thành nói.

Do đó, ông Thành nhận định, mục tiêu bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập ngay trước thềm năm học mới là điều không thể. 

“Tuy nhiên, dù nhanh hay chậm thì với chỉ đạo này, trong tương lai, ngành giáo dục cũng sẽ có đủ số giáo viên để có thể thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là điều phấn khởi”, ông Thành nói.

'Làm giám đốc Sở GD&ĐT 3 năm, chưa bổ sung được biên chế nào' - 2

"Chịu trách nhiệm nhưng không được giao quyền tuyển dụng"

Báo cáo Phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam công bố cho rằng, quy trình quản lý nhân lực phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý trong ngành giáo dục.

Cụ thể, quy trình quản lý nguồn nhân lực phức tạp do phải tuân thủ nhiều Luật (như Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục) và với nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. Các quyết định quản lý hành chính liên quan đến việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên có sự tham gia của ngành GD&ĐT, ngành Nội vụ, UBND các cấp và nhà trường. Sự phức tạp này có xu hướng làm hạn chế hiệu quả và hiệu lực quản lý.

Cùng đó, vai trò của ngành giáo dục trong việc tuyển dụng đội ngũ cũng bị hạn chế. Cụ thể, cán bộ quản lý giáo dục địa phương là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, phó trưởng phòng chuyên môn và chuyên viên của Sở GD&ĐT, trưởng phòng, phó trưởng phòng và chuyên viên của phòng GD&ĐT. 

Song, thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng và quản lý đội ngũ này lại thuộc UBND tỉnh và ngành Nội vụ. Ngành Giáo dục không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu về công tác tuyển dụng dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ quản lý cấp phòng, sở; đồng thời thừa - thiếu giáo viên và mất cân đối cơ cấu giáo viên ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục.

Theo báo cáo, do thực hiện chính sách giảm biên chế, hầu hết các sở/phòng GD&ĐT đều thiếu cán bộ chỉ đạo và chuyên viên điều hành hoạt động chuyên môn. Mỗi Phòng GD&ĐT thường có 1, 2 phó trưởng phòng (quy định tối đa là 3 người); mỗi sở/phòng GD&ĐT thường có 8-10 chuyên viên (trong khi nhu cầu mỗi Phòng GD&ĐT cần 16-20, mỗi Sở GD&ĐT cần 65-70 chuyên viên). Vì thiếu chuyên viên nên nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên hoặc điều động giáo viên “biệt phái” từ các trường lên. 

Một vấn đề bất hợp lý là Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực (bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, giáo viên cấp dưới) và tài chính (phân bổ, thu/chi ngân sách nhà nước) trong phạm vị quản lý của mình. Điều này làm giảm chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp