Cụ thể, với nhóm khách hàng cá nhân, HDBank thực hiện giảm lãi suất cho các khách hàng vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp nông thôn với mức giảm 0,5-3,5%/năm. Ước tính, sẽ có 38.000 khách hàng cá nhân với 45.000 khoản vay được giảm lãi suất theo chương trình này.
Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, HDBank giảm lãi suất ở mức 0,5-2,5%/năm với các khách hàng thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu; doanh nghiệp tại khu chế xuất - khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục- đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống.
Theo đó, sẽ có hơn 5.000 khách hàng doanh nghiệp được giảm lãi suất với gần 10.000 khoản vay.
Tổng cộng, sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay được giảm lãi suất theo chính sách kể trên. Bên cạnh đó, HDBank cũng sẽ miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn cho khách hàng.
Theo HDBank, trong năm 2020-2021, ngân hàng cũng đã triển khai các chương trình miễn giảm lãi suất và phí dịch vụ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng dư nợ 42.000 tỷ đồng, tương ứng với số lượng hơn 18.000 khách hàng.
Trước HDBank, Vietcombank cũng tuyên bố giảm tối đa 1%/năm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân hiện hữu có khoản vay bằng VNĐ tại ngân hàng.
Thời gian giảm lãi suất của Vietcombank cũng diễn ra từ 1/11 đến hết 31/12. Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất nói trên sẽ không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Đáng chú ý, động thái giảm lãi suất cho vay của HDBank và Vietcombank diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tục gia tăng gần đây.
Cụ thể, chỉ trong hai tháng 10 và 11 năm nay, các ngân hàng thương mại đã đưa ra hàng chục đợt điều chỉnh lãi suất huy động với xu hướng tăng 1,5-2 điểm % so với trước đó.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã lên tới 8-9%/năm, trong khi lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) cũng là 6%/năm với kênh quầy và 7,8%/năm với kênh online (tại VietinBank).
Xu hướng tăng lãi suất huy động này khiến nhiều chuyên gia lo ngại lãi suất cho vay có thể tăng trong 3-6 tháng tới, tương đương với giai đoạn kinh doanh đầu năm 2023.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết hiện lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng đã dao động quanh mức 8-9%/năm và 10-10,5% tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Việc lãi suất huy động tăng cao trong khi nhu cầu vốn của các ngân hàng chưa giảm nên không loại trừ khả năng NHNN sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa để duy trì môi trường tỷ giá ổn định. Khi đó, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng lên và lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh trong 3-6 tháng tiếp theo.
Mới đây, NHNN đã có công văn yêu cầu các ngân hàng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng tích cực giải ngân vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các nhà băng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thời gian tới, NHNN sẽ căn cứ diễn biến tình hình của hệ thống và các tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.
Năm 2022, NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đến nay, cơ quan này cho biết tín dụng toàn hệ thống mới tăng khoảng 11,5%.
"Do vậy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", NHNN khẳng định.
Bình luận