• Zalo

Kinh doanh bết bát, lẽ gì doanh nghiệp nhà nước vẫn hút nhà đầu tư?

Kinh tếThứ Sáu, 17/06/2016 10:20:00 +07:00Google News

Mặc dù không có chiến lược kinh doanh rõ ràng hoặc đang trong tình trạng bết bát nhưng hàng loạt DNNN vẫn lên sàn thành công nhờ có quỹ đất lớn.

Khởi đầu năm 2016, việc cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà (VietHa Corp) cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Hiện tại, VietHa Corp sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước như bia Việt Hà, bia Halida, bánh mứt kẹo Hà Nội, bánh kẹo Tràng An, cùng với đó là quỹ đất lên tới 26.292 m2 tại Hà Nội.

Theo cơ cấu vốn sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Bia Việt Hà là 769 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 39,2 triệu cổ phần (51% vốn cổ phần), người lao động 258.000 cổ phần (0,34%), đấu giá công khai và bán 18,7 triệu cổ phần mỗi đối tượng, tương đương 24,33% vốn điều lệ Bia Việt Hà.

Phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Đầu tư Việt Hà (VietHa Corp) đã diễn ra sôi động khi khối lượng đặt mua hơn 2 lần khối lượng chào bán 18,7 triệu cổ phiếu.

Nhà đầu tư chiến lược cũng được xác định là Tổng công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco), một doanh nghiệp mà Tập đoàn T&T của bầu Hiển (Đỗ Quang Hiển) nắm quyền chi phối. 

Bầu Thụy chi tiền mua 52% cổ phần từ chủ sở hữu mảnh đất vàng khách sạn Kim Liên.  

 

Một doanh nghiệp khác có quỹ đất lớn với nhiều ‘đất vàng’ đã thực hiện IPO vào tháng cuối tháng 3/2016 là Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (Savina). Phiên đấu giá đã thu hút 243 nhà đầu tư, trong đó có 3 nhà đầu tư tổ chức tham gia với khối lượng đặt mua gấp 1,8 lần khối lượng chào bán 16,7 triệu cổ phiếu. Kết quả chỉ có 74 nhà đầu tư trúng giá 13.072 đồng/cổ phần và thu về cho Nhà nước 219 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Savina trong những năm gần đây của liên tục đi xuống trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân và sách lậu. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Savina từ 42 tỷ năm 2012 xuống còn 31 tỷ năm 2015 và lợi nhuận sau thuế chỉ quanh quẩn ở mức 200 – 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, cổ phiếu của Savina vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi doanh nghiệp này đang thuê, quản lý 6 bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội như khu đất 712m2 tại 44 Tràng Tiền, khu đất hơn 3.300 m2 tại số 22 Hai Bà Trưng, 748 m2 tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, …

Theo phương án cổ phần hóa, Savina sẽ có vốn điều lệ 679 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 10% vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược 65% và đấu giá công khai 24,6% vốn điều lệ, tương ứng 16,73 triệu cổ phần.

Nhà đầu tư chiến lược được chọn là một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã có thâm niên sở hữu nhiều khu đất vàng tại Hà Nội thông qua cổ phần hóa là Vingroup.

Theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Vingroup sẽ mua 65% vốn điều lệ của Savina, tương ứng với hơn 44,14 triệu cổ phần với giá 10.500 đồng/cổ phần, thấp hơn khá nhiều mức giá tại phiên IPO (13.072 đồng/cổ phần).

Thương vụ IPO ồn ào nhất kể từ đầu năm 2016 chính là việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS). Theo phương án được thông qua, VFS sẽ có vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 50 tỷ đồng, tương đương với 5 triệu cổ phiếu. Trong đó Nhà nước nắm giữ 20% vốn, cán bộ nhân viên nắm giữ 4,5% cổ phần, bán đấu giá công khai 525.000 cổ phần (10,5% vốn), bán cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy 3,25 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) với giá 32,5 tỷ đồng.

VFS được ví như “anh cả đỏ” của nền điện ảnh Việt Nam nhưng lại được bán cho nhà đầu tư chiến lược là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy, hầu như không có mối liên hệ nào với bộ môn nghệ thuật thứ bảy này. Chính điều này đã vấp phải phản ứng của rất nhiều nghệ sỹ, diễn viên điện ảnh gạo cội, thậm chí có cả ý kiến dừng cổ phần hóa VFS.

Điều đáng nói hơn là Tổng công ty Vận tải thủy hiện cũng đang trong tình trạng kinh doanh bết bát nhưng vẫn nhảy vào chi phối VFS. Điều này được lý giải bởi DN vận tải muốn nhắm các mảnh đất đắc địa mà VFS đang sở hữu dưới hình thức thuê đất hoặc được giao đất như mảnh đất dùng làm trụ sở của Hãng phim có diện tích hơn 5.400 m2 tại số 4 Thụy Khê, Tây Hồ, tiếp giáp với Hồ Tây, Hà Nội; mảnh đất 905 m2 ở Hoàng Hoa Thám làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và quản lý khu đất rộng 6.300 m2 tại Đông Anh là trường quay phim.

Mới đây, việc cổ phần hóa xe đạp Thống Nhất với định hướng kinh doanh sau khi trở thành công ty cổ phần bao gồm cả việc kinh doanh bất động sản, tòa nhà văn phòng, căn hộ cũng gây ra những tiếc nuối không ít từ một thương hiệu vàng son trong thập niên 1970 – 1980 của thế kỷ trước.

Sau cổ phần hóa, Xe đạp Thống Nhất có vốn điều lệ 237 tỷ đồng, tương đương 23,7 triệu cổ phần, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 45% vốn cổ phần (10,7 triệu cổ phiếu), cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên là 120.000 (0,5%), đấu giá công khai hơn 3 triệu cổ phiếu (12,81%) và bán cho cổ đông chiến lược 9,9 triệu cổ phiếu (41,69%).

Thống nhất đang quản lý 6 khu đất dưới hình thức thuê đất, với diện tích lên tới 30.000 m2 tại Hà Nội. Trong đó có nhiều khu đất vàng như 800 m2 đang làm trụ sở tại số 10B phố Tràng Thi,  330 m2 tại số 10 Tràng Thi đang thực hiện dự án Tòa nhà văn phòng, dịch vụ thương mại, 10.000m2 ở huyện Từ Liêm làm nhà máy sản xuất và đặc biệt là gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân được thực hiện dự án xây dựng tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ (liên doanh với công ty TNHH phát triển Bắc Việt).

Theo Quyết định phê duyệt Phương án cổ phần hóa, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận Công ty TNHH Đại Hoàng Long là nhà đầu tư chiến lược được mua  9,9 triệu cổ phiếu, tương đương với 41,69% vốn cổ phần tại xe đạp Thống Nhất.

Trước đó vào năm 2015, thị trường tài chính cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa thành công, thậm chí gây sốt ở phiên đấu giá nhờ có những mảnh đất được đánh giá là kim cương ở Hà Nội.

Đó là việc Vingroup trở thành đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) với việc sở hữu tổng cộng gần 90% cổ phần tại đây. VEF có lợi thế khi đang quản lý 7 hecta đất vàng tại Trung tâm Triển lãm Việt Nam tại Giảng Võ, một vị trí giữa quận Ba Đình của Thủ đô.

Tương tự, Thaigroup của bầu Thụy chi hơn 1.000 tỷ đồng trong cuộc chạy đua gay cấn để mua 52% cổ phần tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (sở hữu Khách sạn Kim Liên).

Những lo ngại về nguy cơ đất vàng bị thâu tóm thông qua con đường nắm quyền cổ đông chiến lược khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa không phải là không có cơ sở.

Theo Giáo sư  Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước chỉ giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với đất ở, còn lại phải chuyển sang hình thức thuê đất của Nhà nước.

Như vậy, đất thuê của Nhà nước gắn với lợi thế của địa điểm kinh doanh đang tạo lực hút lớn đối với các nhà đầu tư chiến lược hoặc những doanh nghiệp tư nhân đang muốn nắm cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp cổ phần hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn