7/10/2013, U19 Việt Nam khiến cả châu Á chấn động với chiến thắng 5-1 trước U19 Australia tại vòng loại U19 châu Á 2014.
Cộng với thành công trước đó với ngôi Á quân U19 Đông Nam Á cùng lối đá đẹp mắt, những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường,... chính thức bước ra ánh sáng. U19 Việt Nam như cơn mưa mát lành rơi trên cánh đồng khô héo niềm tin của người hâm mộ, và Công Phượng - với pha đi bóng giữa rừng cầu thủ cao to bên phía Australia, là cái tên được chú ý hơn cả.
Công Phượng ngày ấy cũng như Văn Quyến ở SEA Games 22. Là thần tượng mới của bóng đá Việt Nam, là hình mẫu để giới trẻ hướng tới. Phượng nổi tiếng tới mức, mỗi bài báo hay thông tin gắn tên cầu thủ này đều thu hút lượt xem cao hơn hẳn, bởi độc giả cứ thấy tên Phượng là muốn click vào. Công Phượng là "bảo chứng" cho các thương hiệu, tâm điểm của những lời khen và được gán nhãn chuyển nhượng "triệu đô".
Gần giống như thủ môn Bùi Tiến Dũng bây giờ.
Công Phượng gây tiếng vang ở các giải trẻ. Phải thừa nhận, lịch sử bóng đá Việt Nam không có nhiều cầu thủ trưởng thành sớm và chơi hay ở ngưỡng đôi mươi. Phượng tỏa sáng ở U19 Việt Nam, đá tốt ở SEA Games 28 và khoác áo tất cả các cấp độ đội tuyển (từ U19 trở lên) dù mới có ba năm ra mắt ở V-League. Hào quang của Phượng thuộc về giải trẻ, và đến hôm nay, nó vẫn chỉ dừng lại ở... những giải trẻ.
Công Phượng không thoát khỏi cái bóng U19 Việt Nam quá lớn, để đến hiện tại, cầu thủ sinh ra ở Đô Lương, Nghệ An đang chật vật tìm lại chính mình. Nên nhớ, "tìm lại chính mình" chứ không phải bật lên để tiến tới đẳng cấp cao hơn. Bi kịch của Phượng, hay xa hơn là của Quyến, là những bài học Bùi Tiến Dũng gần ghi nhớ rất kỹ.
Trên trang Vietnamnet, tác giả Mai Anh có bài viết: "Hãy trả Bùi Tiến Dũng lại cho bóng đá". Cũng như Công Phượng ngày xưa, Tiến Dũng đang đối mặt với những rắc rối... không liên quan gì đến sân cỏ khi vừa mới đạt đến đỉnh cao, dù chỉ là đỉnh cao nhất thời. Ràng buộc hợp đồng và câu chuyện "tay ba" liên quan đến bản quyền hình ảnh mới là những cạm bẫy đầu tiên, trong hàng loạt cạm bẫy sẽ tìm đến Tiến Dũng.
Không dễ để nổi tiếng ở Việt Nam, nhất là trong địa hạt bóng đá, và khi đã nổi tiếng rồi, sẽ có nhiều kẻ muốn tìm đến cầu thủ để "hưởng ké" vinh quang. Cám dỗ đã giết chết rất nhiều thế hệ cầu thủ trẻ, Tiến Dũng nên hiểu và làm quen với điều này.
Khái niệm "người đại diện" gần như không tồn tại trong bóng đá Việt Nam. Trong cuốn tự truyện "Tôi là Zlatan", Zlatan Ibrahimovic đã kể về cuộc gặp đầu tiên với Mino Raiola - người đại diện đã thay đổi cuộc đời anh.
Raiola đã dằn mặt Ibrahimovic: "Bán tất cả số đồng hồ, xe cộ mà mày có, rồi lao vào tập luyện gấp ba lần cho tao. Khi mày đã đạt đến đỉnh cao, danh vọng, tiền bạc sẽ tới". Cầu thủ trẻ vừa thiếu trải nghiệm, vừa phải đứng trước quá nhiều cám dỗ. Khi đó, người đại diện sẽ có vai trò "hãm phanh" cầu thủ và đưa ra những định hướng, chỉ bảo tốt nhất.
Những lúc như vậy, ai sẽ chỉ bảo cho Tiến Dũng? Hay chỉ có người đặt vào tay thủ thành người Thanh Hóa một bản hợp đồng "tiền tỉ" để biến anh thành ngôi sao, dù thực chất, Tiến Dũng chưa vươn đến tầm ngôi sao?
Tiến Dũng đi vào vết xe đổ của Công Phượng, khi những câu chuyện bên lề lấn át vinh quang khiến người xem chán ngấy. Có thời điểm, chuyện đời tư, tình cảm của Công Phượng thu hút báo chí và độc giả hơn cả chuyện phong độ trên sân cỏ. Cầu thủ trẻ cần có "khoảng lặng" sau mỗi thành công để định hình và chuẩn bị cho những đỉnh núi kế tiếp. HLV Park Hang Seo khẳng định: Thành công đã ở lại phía sau, giờ là lúc toàn đội phải chuẩn bị cho những thách thức mới, trước mắt là trận đấu cuối cùng ở vòng loại Asian Cup 2019.
Nhưng hình như, một bộ phận người hâm mộ vẫn đang ngủ quên trên chiến thắng, còn cầu thủ vẫn mải... diễu hành và tham gia các cuộc giao lưu. V-League đã ở rất gần rồi.
Tiến Dũng hiện tại còn không may mắn như Công Phượng ngày xưa. Nếu Phượng được HAGL bảo bọc, được ra sân thường xuyên và chơi bóng với những đồng đội ăn ý từ trước, Tiến Dũng phải nỗ lực rất nhiều để có được suất bắt chính. Nên nhớ, màn trình diễn của Dũng ở giải U23 châu Á rất đáng khích lệ, song chưa đến tầm "cực phẩm" hay đẳng cấp châu lục. Còn đó nhiều sai lầm và hạn chế cần khắc phục. Ngay trước thềm giải đấu, Tiến Dũng cũng mắc ít nhất hai lỗi lớn trong các giải trẻ và phải ngồi dự bị ở SEA Games. Nhưng hiện tại, Tiến Dũng còn đủ thời gian để nghĩ đến việc đó?
“Sau những gì đã làm được, và được tôn vinh, tôi chỉ mong các cầu thủ trẻ hãy tự chủ được bản thân. Nói cách khác, họ không được nghĩ mình là ngôi sao hay người hùng gì nữa, như vậy là rất nguy hiểm.
Chúng ta có quá nhiều những bài học trong quá khứ rồi. Giờ là lúc các nhà quản lý, các HLV cần quan tâm sâu sát, nhắc nhở các em chăm chỉ tập luyện, tập trung cho công việc, bởi sắp tới là V-League với sự cạnh tranh cao, là tập trung ĐTQG cũng như Olympic, thời gian không còn nhiều đâu..." - chuyên gia Lê Thụy Hải khẳng định.
Sự ngưỡng mộ, ngợi ca của khán giả là tài sản lớn, song nếu không biết duy trì phong độ để giữ gìn, "tài sản" ấy sẽ không cánh mà bay. Công Phượng được tâng bốc là thế, vẫn bị "vùi dập" không thương tiếc khi đánh mất mình ở tuyển Việt Nam. Những cái tên nổi bật ở U19 Việt Nam năm nào như Văn Sơn, Đông Triều,... giờ là dĩ vãng. Hay Phan Thanh Hậu - tài năng trẻ được The Guardian đánh giá là "triển vọng thế giới", đã trôi vào miền quên lãng trong tâm trí của không ít người.
Tình yêu của người hâm mộ không phải yếu tố bất biến. Có hàng trăm cầu thủ đang nỗ lực ngày đêm để thay thế Tiến Dũng, trở thành thần tượng mới trong lòng cổ động viên. Cách duy nhất để Tiến Dũng giữ mình, là tiếp tục tập luyện và tập trung cho bóng đá. Chỉ bóng đá. Để cuốn biên niên sử về những cầu thủ "sớm nở sớm tàn" sẽ không khắc ghi thêm một trong những cầu thủ được yêu quý nhất ở U23 Việt Nam hiện tại.
Bình luận