Ông Nam 54 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang nhập viện trong tình trạng đau ngực khi gắng sức. 1 năm trước, ông bị nhồi máu cơ tim cấp và được đặt stent động mạch vành, cùng với tiền căn khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Theo người nhà, ông Nam nghiện thuốc lá hàng chục năm nay.
PGS TS BS Nguyễn Hoàng Định – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, khi được chỉ động chụp động mạch vành, phát hiện người bệnh bị tái hẹp trong stent động mạch liên thất trước.
Để tránh nhồi máu cơ tim cấp do nguy cơ tắc mạch vành gây ra, ông Nam được chỉ định phẫu thuật.
Thay vì phải xẻ xương ức như phẫu thuật động mạch vành để tiếp cận với tim như trước đây, thì lần này, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn.
Theo BS Định, với phương pháp này, người bệnh không phải chẻ xương ức, mà tiếp cận qua một đường mở ngực bên trái 7 cm để làm cầu nối mạch vành, nhờ đó tránh tình trạng mất máu, giảm đau, chống nhiễm trùng sau mổ.
Vì thế thời gian nằm hồi sức và nằm viện cũng được ngắn, chỉ khoảng 7 ngày là có thể xuất viện.
Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định đối với những trường hợp xạ trị vùng ngực, lao phổi cũ, phẫu thuật ở vùng ngực trái hoặc đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành trước đây.
Video: Đi khám rối loạn tình dục, phát hiện bị bệnh... tim
1/5 dân mắc các bệnh lý về tim
ThS BS Võ Tuấn Anh – Khoa Phẫu thuật tim mạch BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, ít vận động, rối loạn lipid máu…
Bệnh thường gặp ở nam giới hơn nữ giới, người lớn tuổi có các nguy cơ kể trên và tỉ lệ mắc bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến cùng với các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Theo dự báo của Hội tim mạch Việt Nam, có 1/5 dân số nước ta mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp.
Bình luận