Đó là cách tôi vẫn thực hiện để duy trì trật tự trong gia đình, “dẹp loạn” con cái, tránh tình trạng so bì tị nạnh dẫn đến gia đình xào xáo, hoặc trở nên hỗn láo, bỏ rơi bố mẹ khi đã nhận được phần chia của mình như chuyện một độc giả 73 tuổi tâm sự trên VTC News vài ngày trước.
Có thể nhiều bạn đọc sẽ chỉ trích tôi, cho rằng gia đạo có vấn đề khi người thân mà vẫn phải thủ thế với nhau, nhưng đó là cách tốt nhất mà tôi có thể thực hiện được để đảm bảo gia đình yên ổn, tuổi già an toàn.
Mỗi nhà mỗi cảnh, gia đình tôi đông con, cả hai vợ chồng trước khi tự cho phép mình nghỉ hưu thì đều đầu tắt mặt tối làm ăn buôn bán, gây dựng cơ nghiệp. Chúng tôi cho 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, tạo điều kiện về vốn cũng như kinh nghiệm, quan hệ cho chúng bước vào thương trường.
Như vậy là chúng tôi đã cố hết sức rồi, không đủ khả năng để nuôi dạy con trở nên thập toàn thập mỹ, không có thói xấu hay những toan tính tầm thường.
Các con cũng là dân làm ăn, rất nhiều thời điểm cần thêm vốn nên xuất hiện tâm lý “nhòm ngó” tiền của bố mẹ cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi chỉ hỗ trợ, đầu tư cho con ở một mức độ nhất định vào lúc ban đầu, sau đó để chúng tự bơi, tự chịu hậu quả của những quyết định mình đưa ra.
Tôi muốn các con từ bỏ suy nghĩ rằng nếu kinh doanh thất bại thì có thể xin bố bán bớt tài sản để giúp trả nợ hay đầu tư thương vụ mới.
Quan điểm của tôi là không chia tài sản cho các con chừng nào hai vợ chồng còn sống. Chúng sẽ được thừa kế sau khi cha mẹ qua đời. Tôi không công bố di chúc đã lập nhưng nói rõ là con nào cũng có phần, công bằng nhưng không cào bằng và các điều khoản có thể thay đổi chừng nào tôi còn đủ năng lực hành vi.
Bằng cách đó mà đại gia đình tôi vẫn ổn định, vững vàng dù chuyện năm người mười ý là khó tránh khỏi. Tuy tuổi cao, trong người có bệnh nên hay phải nằm viện, ở nhà luôn phải có người để ý chăm nom, tôi vẫn chưa bao giờ là kẻ yếu thế trong mắt con cháu.
Các ý kiến của tôi đều luôn được tôn trọng. Bình thường mọi người vui vẻ cười đùa, nhưng nếu tôi ra lệnh là con cháu răm rắp nghe theo. Ngay cả mấy cô con dâu đều là người sắc sảo, ra ngoài rất ghê gớm nhưng ở nhà vẫn ngoan ngoãn.
Trong khi đó, một số người quen và họ hàng của tôi, cả đời cày cuốc, về già cái gì cũng cho hết con cháu, nghĩ rằng mình già rồi thì giữ làm gì, đằng nào cũng cho con thì cho luôn khi chúng còn cần. Và nhiều người trong số họ đã phải hối hận.
Một khi trong tay không còn gì cả, họ bỗng nhiên ở vào thế bị động, phụ thuộc. Con hiếu thảo thì không nói làm gì, nhưng nếu chúng bất hiếu thì tuổi già của họ trở nên vô cùng khổ não. Mà thực tế, nhiều cụ già trước khi bị con cái bỏ rơi, hắt hủi, đuổi ra đường thì vẫn luôn nghĩ con mình rất tốt đó thôi.
Vì vậy, người cao tuổi đừng để niềm vui và sự bình an những năm cuối đời của mình phụ thuộc vào con cháu hay bất cứ ai. Cần phải luôn kiểm soát và giữ thế chủ động trong cuộc sống của chính mình cho đến phút cuối cùng. Muốn vậy, bạn phải tự chủ về mặt kinh tế.
Nếu có điều kiện, bạn có thể cho con cháu một chút vốn liếng để làm bệ phóng khởi nghiệp, nhưng tuyệt nhiên đừng bao giờ có ý nghĩ chuyển toàn bộ tài sản cho con vì kể từ đó trở đi, tiền bạc là của con, bạn thành người được nuôi, vị thế sẽ khác. Lúc đó, bạn có được an hưởng tuổi già hay không phụ thuộc vào mức độ hiếu thảo của con cái, một chuyện rất là “hên xui”.
Chúng ta không ai có thể nói trước được điều gì, dù là chuyện tiền bạc hay nhân tình thế thái. Giữ lại tài sản không chỉ vì bản thân, mà còn là cách chúng ta giữ cho con cái không trở nên lỗi đạo, vì câu “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” mà cha ông nói không sai!
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận