DN nhỏ bí vốn
Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) ra đời từ năm 2017 với kỳ vọng giúp các DNNVV (chiếm 95% tổng số DN Việt Nam) phát triển. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Trong đó, điểm nghẽn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng đã không được khai thông.
Một DN sản xuất nước uống đóng chai phường Long Bình, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết rất muốn mở rộng sản xuất, nhưng thiếu vốn. Nhà xưởng của công ty nằm trong khu dân cư, không phù hợp với quy mô sản xuất lớn. Khi mới đi vào hoạt động, có bao nhiêu vốn đã đầu tư máy móc, công nghệ và hệ thống phân phối cả rồi. Giờ có nhu cầu mở rộng sản xuất thì nguồn lực cạn kiệt. Vay ngân hàng hiện nay là không thể, vì tài sản đã thế chấp hết, để lấy vốn sản xuất trong thời gian qua.
Bà Phạm Thị Phương Hoa, Giám đốc một công ty chuyên về nông sản và thực phẩm sạch tại Hà Nội, khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay có chuỗi 40 cửa hàng về thực phẩm sạch trên toàn quốc. Để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Hoa đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đến đâu cũng nhận được câu hỏi: có tài sản gì để thế chấp? Do không có tài sản thế chấp nên DN của bà Hoa chưa thể vay vốn ngân hàng.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình thực hiện Nghị quyết 02/2019 và Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đứng vị trí thứ hai sau tìm kiếm khách hàng, cao hơn cả các khó khăn khác như tìm kiếm lao động, biến động thị trường, biến động chính sách luật pháp,...
Theo báo cáo này, có 86% DN tham gia khảo sát cho biết không thể vay vốn ngân hàng, nếu không có tài sản thế chấp; 63% cho rằng lãi suất và các điều kiện cho vay với DN tư nhân luôn khó khăn; 40% phản ảnh ngân hàng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi; 44% nhận xét thủ tục vay vốn phiền hà và 39% cho rằng phải bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để được vay vốn.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội, khó khăn DNNVV gặp phải chủ yếu là thiếu vốn dẫn đến hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa bài bản. Đa số DN nhỏ hạn chế về công nghệ do thiếu vốn đầu tư. Các số liệu thống kê cho thấy, phần lớn DN Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Việc đổi mới công nghệ của các DN diễn ra chậm chạp.
Còn theo khảo sát từ công ty tư vấn McKinsey, DNNVV tại Việt Nam có nhu cầu vay vốn lên tới 21 tỷ USD (khoản vốn thiếu hụt). Tuy nhiên, có tới 98% DN trong số đó khó tiếp cận nguồn vốn vay.
Cạn nguồn lực đầu tư dài hạn
Khó iếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, nên nhiều DNNVV phải huy động từ các nguồn khác, kể cả tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Ðồng Nai Đặng Văn Điềm cho hay: Hiệp hội có khoảng 500 hội viên, đa số là những DN mới thành lập, doanh thu chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Hầu hết các DN đều ít vốn, chỉ đủ mua một miếng đất, xây hoặc thuê nhà xưởng rồi mua máy móc sản xuất là cạn tiền. Muốn có vốn hoạt động phải đi vay. Vay ngân hàng khó quá thì buộc phải vay vốn với lãi suất từ 20-30%/năm, quá sức so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp nhưng buộc phải vay để tồn tại.
Theo bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các DNNVV khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tài sản thế chấp. Thực tế cho thấy, do thủ tục vay ngân hàng khó, đã khiến nhiều DNNVV, DN siêu nhỏ tìm đến nguồn tín dụng đen.
Giám đốc một công ty chuyên về thiết kế, sản xuất bảng quảng cáo ngoài trời, thi công nội thất quán cà phê, nhà hàng ở Hà Nội kể rằng, những lúc thiếu vốn thường phải đi vay “nóng” từ các nguồn bên ngoài. Thậm chí, có lần phải cầm cố cả chiếc xe mình đang sử dụng chỉ để có đủ tiền mua vật liệu thi công. Lãi suất cao nhưng đành chấp nhận vì không còn cách nào khác. Vì vậy, năng lực cạnh tranh yếu, lợi nhuận thấp, chỉ đủ sống qua ngày. Muốn mở rộng hay phát triển rất khó.
Để không phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, các DNNVV có thể phát hành trái phiếu DN. Việc phát hành trái phiếu DN hiện nay khá thông thoáng. Tuy nhiên, những DNNVV có khả năng phát hành trái phiếu... không nhiều. Việc trông chờ vào nguồn vốn ưu đãi đến nay vẫn mờ mịt, sẽ càng thêm khốn khó khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bình luận