Theo Quartz, trong năm 2017, thế giới đã ghi nhận tốc độ mở rộng và gia tăng năng lượng tái tạo, gồm năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên toàn cầu. Trong đó, 70% lượng điện mới bổ sung vào lưới điện trong năm 2017 đến từ điện tái tạo, tăng gần 9% so với năm 2016 và cũng là mức tăng hàng năm lớn nhất từ trước đến nay.
Trên thực tế, chi tiêu cho năng lượng tái tạo của thế giới đang nhiều hơn gấp đôi so với tổng chi tiêu cho nhiên liệu hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch.
Năng lượng mặt trời dẫn đầu xu hướng "xanh hóa" ngành công nghiệp năng lượng với tỷ lệ 55%. Điện gió chỉ chiếm 29% tổng lượng điện và thủy điện là 11%.
Theo báo cáo tình trạng năng lượng toàn cầu hàng năm được Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN21) xuất bản mới đây, sản lượng năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện đã tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua. REN21 là một tổ chức hoạt động với mục đích tạo thuận lợi cho các quốc gia muốn chuyển đổi sang năng lượng tái tạo bằng cách chia sẻ kiến thức, phát triển chính sách và thúc giục hành động.
Đáng tiếc thay, sự tăng trưởng đó không đủ để giảm lượng phát thải khí nhà kính. Lượng phát thải CO2 toàn cầu đã tăng 1,4% trong năm qua.
Nhu cầu năng lượng của thế giới đã tăng 2,1% trong năm ngoái và các nguồn năng lượng tái tạo có thể sẽ không thể bắt kịp. Kết quả là việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phục vụ cho việc cấp năng lượng vẫn tăng lên nhanh chóng.
Đó là một nhắc quan trọng đối với toàn bộ nhân loại rằng, dù sản lượng điện tái tạo đang tăng trưởng không ngừng nhưng chúng vẫn chưa thấm vào đâu so với "cơn khát" năng lượng của loài người. Đó là lý do chúng ta vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch vô điều kiện.
Báo cáo tiếp tục nhấn mạnh, những lĩnh vực tiêu thụ điện năng cần chú ý gồm có sưởi ấm, làm mát và vận chuyển. Hệ thống sưởi và làm mát đang chiếm 48% nhu cầu năng lượng nhưng chỉ có khoảng 10% số đó vận hành bằng điện tái tạo và 16% sử dụng điện tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch.
Trong suốt 30 năm qua, bất chấp sự phát triển không ngừng của năng lượng tái tạo như điện hạt nhân, điện gió, mặt trời thì có tới 80% năng lượng của con người vẫn đến từ than đá, dầu và khí tự nhiên.
Mặc dù các quốc gia và địa phương đang nỗ lực đặt mục tiêu cắt giảm toàn bộ các các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay đạt 100% năng lượng tái tạo toàn hệ thống, tuy nhiên những nỗ lực này chắc chắn sẽ còn rất lâu mới có thể đạt được.
Trong vai trò là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam hiện cũng cam kết sớm đạt mức 7% năng lượng tái tạo trong hệ thống điện vào năm 2020, 10% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.
Bình luận