Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ, chỉ trên dưới 1% công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 2,8 triệu công chức thì khoảng 30% (tương đương với 840.000 người) làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” nên nếu cho nghỉ làm cũng không ảnh hưởng gì tới công việc.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình
Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng từng khẳng định thông tin về tỷ lệ 30% công chức vô dụng mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu chỉ là võ đoán, theo cảm tính, thiếu căn cứ và rất thiếu trách nhiệm.
Cho tới giờ vẫn chưa có một điều tra nào chứng minh con số công chức "cắp ô" chính xác là bao nhiêu. Thế nhưng, Bộ Nội Vụ lại mới trình dự thảo xin tinh giản 100.000 biên chế trong tổng số 840.000 người. Vậy phải hiểu 1% công chức “cắp ô” mà Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình từng khẳng định như thế nào?
Cũng vẫn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trước mắt từ nay đến 2016, không tăng thêm biên chế, viên chức, trừ trường hợp thành lập các cơ quan mới do cơ quan có thẩm quyền cho phép, phát sinh các nhiệm vụ mới.
Thực tế thì suốt trong 5 năm qua, theo con số báo cáo của Bộ Nội Vụ cả nước có 67.389 công chức trong diện tinh giản biên chế nhưng có tới 90,5% (khoảng 61.018 người) nghỉ hưu trước tuổi.
Trong một số liệu thống kê khác, trong 3 năm (năm 2010-2012) số cán bộ công chức nghỉ theo chế độ chính sách là 28.132 người nhưng số người được tuyển mới là 69.851 người tăng 41.719 người khiến số lượng công chức không giảm mà còn tăng lên 20%.
Năm 2013, 2014 đều có chủ trương là số lượng cán bộ công chức không tăng, viên chức xem xét để cân đối, nhưng thực tế đến nay số lượng công chức vẫn tăng lên rất nhanh,
Lật lại lịch sử, năm 2007, số lượng công chức là nước ta là hơn 238.600 người, đến năm 2012 là 270.000, tăng khoảng 15,09%. Trong khi cũng trong giai đoạn 2007 – 2012, viên chức tăng hơn 25%.
Có thể thấy, số lượng cán bộ, công chức luôn ở trong tình trạng tăng dần đều theo năm tháng.
Lý giải về việc này, Bộ Nội vụ cho rằng nguyên nhân tăng trong các năm qua là do: tăng chủ yếu ở các đơn vị mới được thành lập, các đơn vị cũ nhưng bổ sung về chức năng nhiệm vụ hoặc các đơn vị đã có nhưng tăng cường năng lực, các lĩnh vực tăng: môi trường, đất đai, hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số, thanh tra giao thông, xây dựng, thuế, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế, quản lý dược, bảo hiểm y tế và một số địa phương được chia tách...
Chẳng thế mà dư luận đã từng bị sốc trước thông tin một phường mà có tới 475 "cán bộ". Cụ thể, UBND phường Hồng Hải (TP.Hạ Long) có 475 "cán bộ", UBND thị trấn Mạo Khê (huyện Đông Triều) có tới 639 công bộc hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước…
Cộng gộp số lượng cán bộ, công chức ở 63 tỉnh thành trên cả nước thì con số ấy khủng khiếp cỡ nào? Bởi thế, Bộ Nội vụ mới xin tinh giản tới 100.000 công chức. Cụ thể, theo dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Nội vụ thì việc tinh giản biên chế 100.000 công chức, viên chức sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm, từ năm 2014 đến 2020, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Mới nghe thì thấy con số ấy thật khủng khiếp, nhưng thực tế nếu làm vậy cũng mới chỉ tinh giản được hơn 15.000 người (trong đó đã có khoảng 12.000 công chức cho nghỉ hưu sớm). Như thế, Chính phủ mới chỉ giải quyết được 12% công chức nhưng cũng toàn là người sắp đến tuổi nghỉ hưu nên kế hoạch tinh giản chẳng khác nào đánh bùn sang ao.
Chưa kể, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện tinh giản biên chế là khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó mỗi người bị nghỉ hưu trước tuổi sẽ được nhận mức phí bình quân 75 triệu đồng còn mỗi người bị thôi việc là khoảng 90 triệu đồng.
Những con số này một lần nữa khiến người ta liên tưởng tới phát biểu của ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tại phiên họp HĐND thành phố Hà Nội mới đây.
“Bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn chạy vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận, huyện.
Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận huyện là trưởng phòng nội vụ các quận huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền chạy của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng cho thành phố chúng ta, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”, ông Dực nói.
Sáng 17/12/2012, phát biểu tại lễ công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) ở Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu thành phố Hà Nội phải tiến hành thanh tra, kiểm tra thông tin chạy công chức tại cấp quận, huyện của Hà Nội. Nhưng rồi đến nay, thực hư chuyện chạy biên chế 100 triệu đồng vẫn là một ẩn số.
Thay lời kết, xin gửi tới quý độc giả bình luận của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội): “100.000 công chức là bao nhiêu phần trăm? Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thật khó hiểu!”.
Bình luận