Sự bùng phát của virus corona chủng mới đang khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh, đặc biệt là ở Trung Quốc. Lượng khí thải toàn cầu qua đó được cắt giảm khoảng 100 triệu tấn, chiếm gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) ở Phần Lan hôm 19/2 cho biết trên trang Carbon Brief.
Trong hai tuần qua, sản lượng điện tại các nhà máy điện than đã giảm xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Sản xuất thép - ngành công nghiệp nặng cần đốt một lượng than lớn - cũng chạm đáy trong 5 năm qua, các chuyên gia cho biết.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Hoạt động kinh tế thường diễn ra sôi nổi vào thời điểm này trong năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu ở tỉnh Sơn Đông - trung tâm dầu khí của đất nước - báo cáo sản lượng dầu chạm mức thấp kỷ lục kể từ mùa thu năm 2015.
"Các biện pháp ứng phó dịch (như kéo dài kỳ nghỉ để giữ người dân ở nhà) khiến sản lượng của các ngành công nghiệp chính giảm từ 15% đến 40%. Lượng khí thải CO2 trên cả nước theo đó đã được cắt giảm khoảng một phần tư trong hai tuần qua", báo cáo cho biết.
Một nghiên cứu khác từ dữ liệu vệ tinh của CREA cũng ghi nhận lượng khí thải nitơ dioxit ở Trung Quốc - sản phẩm phụ của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch trong xe cộ và nhà máy điện - giảm tới 36% trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán so với năm 2019.
Tuy nhiên, các nhà môi trường cảnh báo về nguy cơ "ô nhiễm trả đũa" khi dịch lắng xuống. Theo cố vấn chính sách Li Shuo của Greenpeace China, các nhà máy nhiều khả năng sẽ tối đa hóa sản xuất để bù đắp thiệt hại trong thời gian ngừng hoạt động, điều này sẽ gây ô nhiễm nặng, có thể đảo ngược lợi ích môi trường.
Bình luận