• Zalo

Kẽ hở khiến hàng giả có thể lộng hành

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Bảy, 29/09/2018 07:32:00 +07:00Google News

Mới đây, Công ty TNHH Tiến Hiếu, đơn vị sở hữu thương hiệu giấy Hà Nội bức xúc phản ánh trên báo chí về sản phẩm bị một đơn vị khác làm giả một cách hợp pháp.

Phản ánh trên báo Công thương, bà Đinh Thị Kim Định - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Hiếu cho biết, khoảng gần một tháng nay, Công ty TNHH Tiến Hiếu phát hiện tại cửa hàng Trang Anh trên phố Lý Bôn, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình bày bán cả 2 loại: Giấy Hà Nội của Tiến Hiếu và loại giấy có bao bì y hệt.

giay-ha-noi

 Hình ảnh giấy Hà Nội bị làm giả. (Ảnh: Báo pháp luật Việt Nam).

Bà Phạm Thị Trang, chủ cửa hàng giải thích: “Mấy năm nay vẫn bán giấy Hà Nội chính hãng nhưng đợt vừa rồi hết hàng. Có người xưng là nhân viên công ty tới chào hàng nói là sản phẩm của cùng một công ty nhưng được sản xuất ở một nhà máy khác. Bao bì y hệt lại còn có tem chống hàng giả nên tin tưởng nhập hàng để bán. Bán mấy hôm thấy khách hàng phản ánh giấy mủn, không dai như loại cũ nên đã nghi ngờ”.

Không chỉ có vậy, ngoài thành phố Thái Bình, tại nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội cũng có hàng chục cửa hàng bày bán loại giấy giống Giấy Hà Nội.

Bà Đinh Thị Kim Định cho biết thêm, loại giấy có bao bì, nhãn hiệu giống hệt bao bì của Tiến Hiếu từ logo TIE tới chữ HÀ NỘI cách điệu. Nếu quan sát kỹ mới thấy chữ bên dưới logo có khác nhau, là: Hàng chính hãng có tên Công ty Tiến Hiếu Co.ltd còn hàng không chính hãng có chữ chung chung là Hà Nội Việt Nam. Trên bao bì hàng không chính hãng có ghi số bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và tem chống hàng giả.

Tìm hiểu cơ sở sản xuất loại giấy Hà Nội Việt Nam (gọi theo cách phân biệt với giấy Hà Nội của Tiến Hiếu) theo địa chỉ ghi trên bao bì tại phường Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội, điều bất ngờ là người đại diện cơ sở này cho biết họ cũng được cấp Bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm giấy của mình.

Cụ thể, giấy bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được cấp cho sản phẩm hàng của cơ sở này gần giống với sản phẩm của Công ty Tiến Hiếu. Thời điểm cấp từ tháng 3/2018. Chủ sở hữu của văn bằng bảo hộ là hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hà ở Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội).

Video: Ứng dụng Smatcheck chống hàng giả

Trong khi đó, Công ty Tiến Hiếu đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu giấy Hà Nội với các thành phần chính (logo TIE và chữ HÀ NỘI SILK) từ ngày 5/3/2009.

Đây không phải lần đầu tiên Cục Sở hữu trí tuệ bị phản ứng về vấn đề này.

Trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu “nước mắm Cửa Hội” cho Công ty Thuỷ sản Nghệ An và sau đó cũng cấp bằng kiểu dáng công nghiệp cho nhãn hàng hoá của Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản và dịch vụ Cửa Hội với tên thương hiệu “nước mắm Cửa Hội” gây ra sự xung đột giữa 2 Công ty.

Lý giải về việc bị trùng hợp này, trả lời trên báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, có thể dấu hiệu trên kiểu dáng công nghiệp tương đồng, tương tự hoặc gần giống thậm chí là trùng lặp với nhãn hiệu của người khác được bảo hộ nhưng vì nó là đối tượng khác nhau và nằm ở cơ sở dữ liệu khác nhau thuộc các chuyên môn khác nhau thì thẩm định viên kiểu dáng công nghiệp không thể tra cứu hết được.

Ông Lâm cho biết thêm, trong trường hợp do không có thông tin, Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp chứa dấu hiệu tương tự nhãn hiệu được bảo hộ thì Luật Sở hữu trí tuệ cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu nộp đơn yêu cầu xem xét dấu hiệu đó. Nếu thực sự 2 dấu hiệu đó tương tự thì quyền khai thác kiểu dáng công nghiệp sẽ bị dừng lại.

Rõ ràng, đây chính là một kẽ hở để hàng giả, hàng nhái "lách" trở thành hàng hợp pháp, được bảo hộ.

Ngọc Vy(Nguồn: congthuong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn