Theo Đại sứ quán Israel, từ ngày 25 đến ngày 28 /11, Tiến sĩ Yakov Livshitz, Vụ trưởng Vụ Địa chất Thủy văn, Cơ quan Quản lý Nước Israel đã làm việc với các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cũng như Tổng cục Tài nguyên Nước về việc thực hiện chương trình hỗ trợ quản lý nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyến thăm nằm trong giai đoạn lập kế hoạch của một sáng kiến hợp tác, với sự tham gia của Israel và Vương quốc Anh, mà Việt Nam là một trong những quốc gia được hỗ trợ trong việc quản lý suy giảm chất lượng nước và thích ứng với rủi ro biến đổi khí hậu.
Trả lời VTC News, Tiến sĩ Livshitz nói về cách Israel thiết lập hệ thống quản lý nguồn nước và khả năng Việt Nam có thể ứng dụng những kinh nghiệm này.
- Israel là một quốc gia có nguồn nước rất hạn chế. Vậy các ông đã tận dụng triệt để nguồn nước này cũng như xử lý và tái sử dụng nước thải như thế nào?
Tài nguyên nước của Israel rất hạn chế. Dân số Israel ít hơn Việt Nam khoảng 10 lần, trong khi nguồn nước ít hơn khoảng 500 lần. Vì vậy, chúng tôi phải quản lý tài nguyên nước một cách hợp lý, đến từng giọt nước một. Đây không phải là một vấn đề mới, thậm chí trong Kinh thánh cũng đã nói về vấn đề nguồn nước này rồi.
Hiện tại nhu cầu nước của chúng tôi nhiều hơn gấp hai lần những gì có sẵn. Vì vậy chúng tôi sử dụng nước hai lần – bằng cách tái sử dụng đến khoảng 90% nước thải. Chúng tôi thu thập và làm sạch nước thải đến một chất lượng khá cao và tái sử dụng cho nông nghiệp. Hiện đây là nguồn nước chính cho nông nghiệp ở Israel. Nhưng dù tái sử dụng tất cả nước thải thì nguồn nước của chúng tôi cũng không đủ cho tất cả các nhu cầu. Vì vậy chúng tôi còn khử mặn nước biển, một phương pháp rất tốn kém vì cần nhiều năng lượng, nhưng không có lựa chọn nào khác.
- Ông có thể giải thích thêm về khó khăn của việc khử mặn này không?
Trước hết là chi phí đắt đỏ, cả hệ thống khử mặn và cấp nước từ nhà máy khử mặn đến người dùng. Ngoài ra, nguồn cung nước từ các nhà máy khử mặn này luôn không đổi, mặc dù nhu cầu sử dụng của chúng tôi không như nhau trong suốt một năm hay trong một ngày. Ví dụ, ở Israel, lượng nước tiêu thụ thấp vào mùa đông và cao vào mùa xuân và mùa hè. Lượng nước tiêu thụ vào buổi sáng và buổi tối cũng cao hơn vào giữa ngày. Vì vậy, chúng tôi phải xây dựng một hệ thống để quản lý vấn đề này.
Chúng tôi sử dụng các tầng ngậm nước dưới mặt đất (aquifer) như những hồ chứa tự nhiên. Với mức tiêu thụ cao, chúng tôi bơm thêm nước từ các nguồn. Ở mức tiêu thụ thấp thì có thể cung cấp nước đã khử mặn. Lượng nước dư thừa sẽ được trữ lại vào các tầng nói trên. Bằng cách này, chúng tôi không chỉ được sử dụng nước mà còn có thể quản lý để cung cấp lượng nước khác nhau giữa mùa hè và mùa đông. Trong một ngày cũng vậy.
Điều đó có nghĩa là hàng năm chúng tôi phải ước tính lượng nước có sẵn trong các hồ chứa tự nhiên, lượng nước bổ sung với mức tiêu thụ nước cao nhất, sau đó ước tính lượng nước đã khử mặn mình sẽ cần vào năm tới. Vì vậy, đây là một hệ thống rất phức tạp, dựa trên sự hiểu biết về nguồn nước, chứ không chỉ là lấy nước từ sông hay các tầng chứa nước lên để dùng. Ngoài ra, nếu tính đến các loại nước khác nhau dùng cho tưới tiêu: nước ngọt, nước lợ, nước thải đã qua xử lý,... cũng làm cho hệ thống rất phức tạp.
- Vậy Israel mất bao lâu để phát triển các hệ thống đó?
Chúng tôi luôn không có đủ nước. Vào những năm 50, chúng tôi đã xây dựng hệ thống cấp nước tích hợp trên toàn quốc, kết nối các lưu vực thủy văn khác nhau. Vào những năm 1990, chúng tôi bắt đầu tích cực tái sử dụng nước thải đã qua xử lý và những năm 2000 là khử mặn.
Giờ đây, tất cả các nguồn nước ngọt được kết nối trong một hệ thống cấp nước tích hợp đi khắp cả nước. Vì vậy, nếu chỗ này nhiều nước chỗ kia thiếu thì chúng tôi vẫn có thể chuyển nước đi được. Hiện tại, trong thời kỳ hạn hán, do hậu quả của biến đổi khí hậu, hệ thống này giúp chúng tôi tiết kiệm nguồn cung cấp nước.
- Con số 90% nước thải tái sử dụng rất ấn tượng. Ông có thể giải thích về quy trình này?
Tái sử dụng nước thải là tình huống đôi bên cùng có lợi, chúng ta bảo vệ môi trường và có thêm nước mới để dùng. Chúng tôi làm việc này theo hai hướng, hướng thứ nhất là các quy định, trong đó chúng tôi yêu cầu chính quyền đô thị phải để nước thải của họ được xử lý với chất lượng nhất định. Họ không thể xả chất thải chưa được xử lý. Hướng thứ hai, chúng tôi phải thuyết phục nông dân xây dựng hệ thống tái sử dụng nước này, vì nó không rẻ và cũng cần rất nhiều chuyên môn để thiết lập. Tuy nhiên, chính phủ có hỗ trợ và tài trợ cho các quá trình nhằm khuyến khích tái sử dụng nước thải.
Ngoài ra, ở Israel, nếu bạn là nông dân và sử dụng nước thải đã qua xử lý thay vì nước ngọt để tưới, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình ở Việt Nam và khả năng áp dụng phương pháp của Israel?
Việt Nam có nguồn nước tốt. Điều đó tạo điều kiện cho các bạn sử dụng nước một cách bền vững, một mặt tăng nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp mà không làm hỏng hệ sinh thái, mặt khác tiết kiệm nguồn nước chất lượng tốt. Điều đó không đơn giản, nhưng có thể thực hiện và Israel có kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm để giúp các bạn đạt được mục tiêu này.
Khi các bạn chưa cần đầu tư vào khử mặn thì chi phí cũng rẻ hơn nhiều. Và nếu quản lý nước hợp lý, có thể mang lại những kết quả tốt trong thời gian ngắn.
Tất nhiên, chúng ta vẫn phải thu thập thêm dữ liệu, tìm hiểu xem mọi thứ đang hoạt động theo cách nào và có chiến lược hợp lý. Nhưng về lý thuyết đây là điều có thể làm được.
Bình luận