Sáng 16/8, nhiều chuyên gia, nhà lãnh đạo và trí thức đã tham gia sự kiện “Đối thoại với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới” tại Hà Nội với chủ đề “Tầm nhìn và vận hội Việt Nam trong kỷ nguyên Khai sáng toàn cầu”.
Cuộc đối thoại đặc biệt có sự tham gia diễn thuyết của Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak, mang đến câu chuyện vươn lên đột phá về kinh tế sáng tạo, giành vị thế cao trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu của Israel. Sự kiện do Công ty VLAB Innovation, Diễn đàn toàn cầu Boston, Viện lãnh đạo và đổi mới sáng tạo Michael Dukakis, Báo VietNamNet tổ chức.
Được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp”, Israel có số lượng doanh nghiệp kỳ lân lớn, có khả năng sáng tạo và tinh thần đổi mới đáng nể. Câu chuyện phát triển của quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên (một nửa là sa mạc, không giáp biển), liên tục trải qua chiến tranh... gợi mở những hướng đi cho Việt Nam.
“Vợ tôi đến Việt Nam nhiều năm trước với chiếc balo trên vai. Nay quay lại Việt Nam, bà đã thấy các bạn có những thay đổi và phát triển vượt bậc” - cựu Thủ tướng Israel nói.
Ông Ehud Barak thông tin thêm, ông lần đầu tới Việt Nam và thấy "đây là nền kinh tế rất nhiều năng lượng phát triển”.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn toàn cầu Boston, Việt Nam có nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh mới. Để làm được điều này, “chúng ta cần có tư duy ở tâm thế mới và khai thác kho tài nguyên trí tuệ, mà ở đó có những bài học từ Israel để rút ra làm thế nào tạo được những đóng góp, giá trị của riêng của mình”.
Tập trung giáo dục và nghiên cứu phát triển
Chia sẻ về câu chuyện của Israel, ông Barak cho hay, thành công của nước này do nhiều yếu tố, trong đó có tập trung cho giáo dục và nghiên cứu phát triển.
“Giáo dục của chúng tôi được đầu tư rất nhiều so với quân sự”, ông nói.
Israel đầu tư chủ yếu giáo dục phổ thông với nền giáo dục dựa trên khoa học, tập trung nhiều vào khoa học và ngoại ngữ. Nước này có chính sách chọn ra học sinh xuất sắc từ các trường để đào tạo chuyên sâu, biến đây thành lực lượng nòng cốt cho phát triển và đổi mới. Israel cũng hỗ trợ và mở đường cho các công ty khởi nghiệp.
Các lĩnh vực được Israel đầu tư chủ yếu là năng lượng cơ bản, xử lý nước, khoa học đời sống (trong đó có nông nghiệp, trí tuệ nhân tạo, máy móc và các công nghệ liên quan), công nghệ không gian.
Cựu Thủ tướng Israel nêu ví dụ: “Khi không có đủ các nhà lập trình, kĩ sư, nhà khoa học, chúng tôi sẵn sàng mời chuyên gia từ các nước khác như Ấn Độ. Chúng tôi khuyến khích học sinh xuất sắc về làm việc trong ngành. Bộ trưởng Giáo dục có khi lên truyền hình giảng bài cho các em".
Mỗi năm, nước này chọn học sinh xuất sắc lớp 11,12, đưa các em vào các đơn vị, tổ chức để rèn luyện. Trong khoảng 500 học sinh, mỗi năm, họ chọn ra 40 em đưa vào chương trình giáo dục đặc biệt, chuyên sâu trong 3 năm. Mỗi em sẽ có ít nhất 2 bằng chuyên môn, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình... Như vậy, cứ hai, ba em, có thể hy vọng một doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng.
"Chúng tôi có hệ thống 7 trường đại học uy tín nhất, chú trọng chất lượng, các học sinh tốt nghiệp ở những trường này đều có chuyên môn cao", ông Barak nói.
Thu hút đầu tư nước ngoài để “lợi đơn lợi kép”
Theo ông Barak nói, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) cũng là yếu tố quan trọng để thu hút các nguồn lực phát triển đất nước, nhưng đây không phải câu chuyện đơn giản vì sẽ có sự cạnh tranh.
Nói về đầu tư nước ngoài ở Israel, ông cho rằng, các doanh nghiệp đều mong muốn lợi nhuận và ổn định, vì vậy nếu cung cấp được môi trường đầu tư ổn định và sinh lời, sẽ thu hút được họ.
“Có lần cả Israel và Ireland đều muốn Intel đầu tư vào cơ sở ở nước mình. Chúng tôi đã đưa ra ưu đãi như chỉ trả một nửa thuế doanh nghiệp trong 10 năm đầu... Cuối cùng, họ đã đầu tư vào nhà máy tại Israel. Sau 20 năm, họ đầu tư nhà máy thứ hai. Những nhà máy này cần công nhân tay nghề cao nên lại góp phần vào đào tạo đội ngũ lao động, mang lại cho chúng tôi ‘lợi đơn lợi kép’”.
Các công ty toàn cầu như Google, Amazon đều có cơ sở nghiên cứu phát triển tại Israel, ông cho biết.
Khi lên kế hoạch khuyến khích phản biện, lúc hành động thì đồng lòng
Cựu Thủ tướng cũng chia sẻ về cách người Israel tạo ra môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo.
“Ở Israel, khi đang lập kế hoạch, chúng tôi luôn khuyến khích cấp dưới đặt câu hỏi cho cấp trên, vì họ mới là người trực tiếp đi làm. Chúng tôi cũng không tiếc ghi nhận công lao cho họ, còn khi đã đi vào hành động là đồng lòng, thống nhất”, ông Barak nói.
Theo ông, chỉ đưa ra một tầm nhìn là chưa đủ mà đổi mới sáng tạo còn là quá trình cần có sự lãnh đạo và định hướng, đi sâu vào chi tiết, hành động cụ thể mới có thể biến tầm nhìn thành hiện thực. Các cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi rất nhiều trên thế giới. Ông bày tỏ sự tin tưởng việc Việt Nam sẽ thành công.
“Trong chuyến thăm Việt Nam, tôi được đến thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị tướng không kinh qua trường lớp quân sự nhưng lại thành công và có những thắng lợi nhờ trí tuệ, nỗ lực và sự cống hiến. Vì vậy, tôi tin người Việt Nam hoàn toàn có khả năng”, ông nói.
Quan trọng là trái tim ở đâu
Trong phiên thảo luận, cựu Thủ tướng cùng các diễn giả nói về những khó khăn của quá trình đổi mới sáng tạo, cũng như việc mỗi cá nhân có thể đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước như thế nào.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn thông, nói về những năm tháng đổi mới của ngành bưu điện rằng, sau chiến tranh, ngành đặt ra những câu hỏi về đổi mới, như nhân lực ở đâu, làm sao tìm ra hướng đi, làm thế nào lo cho đời sống cán bộ công nhân viên.
"Chúng tôi quyết định đầu tiên là mở điện thoại quốc tế, thứ hai là đi vào phát triển công nghệ hiện đại, lúc đó 95% đang là công nghệ cũ analog...”, ông Trực nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói về ý tưởng kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo: “Bây giờ trên thế giới không quan trọng ngồi ở đâu mà là trái tim khối óc để ở đâu. Đối với tôi cũng làm được một số điều rất khiêm tốn, như tạo dựng được tổ chức có kết nối với những nhà tư tưởng lớn trên thế giới, những trí tuệ lớn của nhân loại... Diễn đàn Toàn cầu Boston luôn nghĩ cần làm những điều gì có dấu ấn và có khả năng dẫn dắt. Chúng tôi may mắn có nền tảng trí tuệ ban đầu và vị thế ban đầu để bật lên”.
Theo ông Barak, việc vấp phải sự phản đối trong quá trình thay đổi là hết sức bình thường và bài học ở đây cần có hành động mang tính lãnh đạo, tạo động lực để mọi người cùng tiến lên phía trước.
Ông cũng cho rằng, cách tiếp cận đổi mới “từ dưới lên”, hay “từ trên xuống” đều có mặt lợi và hại riêng, vì vậy cần có sự phối hợp cả hai cách tiếp cận để đạt được mục tiêu.
Chia sẻ về hiện tượng công ty khởi nghiệp sau một thời gian lớn mạnh lại bán cho nước ngoài, cựu Thủ tướng Israel cho biết, nước này cũng có vấn đề tương tự. “Tôi không nghĩ những người trẻ chỉ muốn nắm cổ phần nhỏ... Chúng ta cần có các công ty lớn hơn và điều này phải bắt đầu từ việc đẩy mạnh để các công ty trong nước tạo ra giá trị riêng”.
Bình luận