• Zalo

Huyết khối hậu COVID-19 nguy hiểm thế nào?

Covid-19Thứ Năm, 28/04/2022 07:24:49 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngoài các biến chứng hô hấp, người mắc COVID-19 cũng có nguy cơ phát triển các cục máu đông (huyết khối).

Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, vừa qua, cụ ông 86 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đột ngột xuất hiện sưng phù bắp chân phải, đau tức và chuột rút bắp chân. Ông nhập viện tại Bệnh viện Hữu Nghị và được chẩn đoán có huyết khối tĩnh mạch đùi bên phải đang lan rộng. Các bác sĩ đã cho dùng thuốc kháng đông ngay lập tức để phòng cục máu đông (huyết khối) di chuyển lên gây tắc mạch phổi cấp có thể tử vong.

Trường hợp tương tự là bà cụ 72 tuổi, ở Bắc Ninh mắc COVID-19 và khỏi được một tháng. Tháng 3 vừa qua, cụ bà đột ngột bị đau nhức chân phải, toàn bộ đùi và cẳng chân phải lạnh ngắt và tím, cử động rất hạn chế. Cụ bà được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị và được siêu âm và chụp cắt lớp vi tính mạch máu, phát hiện tắc hoàn toàn động mạch chậu đùi bên phải do cục máu đông lớn mới hình thành. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu loại bỏ cục máu đông và tiếp tục điều trị thuốc chống đông đường uống duy trì lâu dài.

Huyết khối hậu COVID-19 nguy hiểm thế nào? - 1

TS.BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị thăm khám cho bệnh nhân.

Theo TS.BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị, huyết khối có thể hình thành bất cứ mạch máu nào trong cơ thể gây tắc mạch. Triệu chứng biểu hiện sẽ liên quan đến cơ quan đích của mạch máu bị tổn thương. Huyết khối hậu COVID-19 sẽ rất nguy hiểm nếu các mạch máu bị tắc là mạch máu não, mạch vành tim, mạch phổi, các mạch tạng quan trọng như mạch thận.

“Tắc mạch máu não sẽ gây tàn phế, tắc mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim dẫn tới suy tim, đột tử. Tắc động mạch phổi cấp có thể gây suy hô hấp cấp hoặc tử vong, Tắc động mạch chi dưới có thể gây hoại tử phải cắt cụt chi gây tàn phế”- BS Long cho biết.

Theo health.osu.edu và the guardian, ngoài các biến chứng hô hấp, người mắc COVID-19 cũng có nguy cơ phát triển các cục máu đông nghiêm trọng dẫn đến đột quỵ, đau tim và thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng.

Cục máu đông là tình trạng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, chúng có thể gây tổn thương não, tim và phổi, thậm chí gây biến chứng lâu dài hoặc tử vong. Chuyên gia Matthew Exline, Giám đốc y tế của Đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Ohio cho biết, trong khi cộng đồng chăm sóc sức khỏe vẫn đang tìm hiểu các cách COVID-19 tấn công cơ thể, có thể một số yếu tố nguy cơ gây đông máu đang tăng lên.

Theo chuyên gia này, khi bạn ngã và bị trầy da đầu gối, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ được kích hoạt và một trong những cách hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với chấn thương là làm cho hệ thống đông máu của bạn hoạt động tích cực hơn. Nhưng khi nhiễm trùng lan rộng và gây viêm như COVID-19, xu hướng đông máu đó có thể trở nên nguy hiểm.

Huyết khối hậu COVID-19 nguy hiểm thế nào? - 2

(Ảnh minh họa: Theo health.osu.edu)

Một nghiên cứu công bố mới đây trên Tạp chí Y khoa Anh cũng cho thấy, COVID-19 có thể làm tăng gấp 5 lần nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và tăng 33 lần nguy cơ hình thành cục máu đông có khả năng gây tử vong trên phổi trong 30 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Điều này có thể giúp giải thích cho sự gia tăng gấp đôi tỷ lệ mắc và tử vong do cục máu đông ở Anh kể từ khi bắt đầu đại dịch so với cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Dù nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn ở những trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng, song điều này không có nghĩa là những trường hợp nhẹ hơn hay không phải nhập viện không đối mặt với rủi ro này. Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên chủ động theo dõi các dấu hiệu của cục máu đông và khả năng đột quỵ hoặc đau tim như: Mặt xệ xuống, yếu một tay hoặc chân, nói khó, có dấu hiệu sưng, đau hoặc đổi màu ở tay hoặc chân, khó thở đột ngột, đau ngực hoặc đau lan đến cổ, cánh tay, hàm hoặc lưng.

Có nên dự phòng bằng thuốc chống đông máu?

TS.BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, có nghiên cứu, bằng chứng nào cho bệnh nhân hậu COVID-19 không có biểu hiện gì sử dụng dự phòng thuốc chống đông. Bởi thuốc chống đông sẽ gây ra vấn đề xuất huyết, tai biến. BS Long cho biết, nếu bệnh nhân hậu COVID-19 mà có bằng chứng của tắc cục máu đông thì cần phải điều trị thuốc chống đông ít nhất 3 tháng sau khi khỏi bệnh. Bệnh nhân có bệnh nền hay mạch máu liền mà bị COVID-19 thì cũng xem xét sử dụng thuốc kháng đông với các liều lượng khác nhau để dự phòng, tránh tắc mạch máu lớn.

BS Long khuyến cáo, thường sau khoảng 1-2 tuần khỏi COVID-19, người bệnh có thể đi xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe tổng thể. Có những bệnh nhân bị COVID-19 xong rất mệt nên phải chú ý để kiểm tra, chụp phổi, kiểm tra vấn đề tim mạch máu. Bởi COVID-19 đa tác động đến cơ quan của cơ thể không chỉ ở tim mạch máu mà còn ở cả hô hấp, thần kinh.

Lời khuyên của các chuyên gia dành cho những người điều trị COVID-19 ở nhà đó là hãy vận động nhẹ nhàng, uống đủ nước. Nếu ngồi xuống, cố gắng giữ cho chân của bạn ở vị trí cao hơn và đảm bảo lưu thông máu.

Minh Khánh-CTV Châu Nhi(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp