Nguy cơ đông máu cao ở người khỏi COVID-19

Covid-19Thứ Bảy, 09/04/2022 15:00:56 +07:00

Bệnh nhân COVID-19 tăng 33 lần nguy cơ hình thành cục máu đông ở phổi trong vòng 30 ngày kể từ khi nhiễm so với người bình thường.

Ngoài ra, người mắc COVID-19 cũng tăng gấp 5 lần nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. 

Phát hiện được công bố trên tạp chí Y khoa Anh ngày 7/4, giúp giải thích sự gia tăng gấp đôi tỷ lệ mắc và tử vong do cục máu đông ở Anh kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 so với cùng kỳ năm 2018 và 2019.

“Mức độ biến chứng liên quan đến COVID-19 mạnh và kéo dài lâu hơn nhiều so với những phản ứng phụ sau tiêm vaccine”, Tiến sĩ Frederick Ho, giảng viên về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Glasgow, người không tham gia vào nghiên cứu, nhấn mạnh. 

“Ngay cả những người có các triệu chứng nhẹ không cần nhập viện cũng có thể tăng một chút nguy cơ cục máu đông”. 

Nguy cơ đông máu cao ở người khỏi COVID-19 - 1

(Ảnh minh họa: Mydocuc)

Mặc dù phân tích trước đây đã nhận định nhiễm COVID-19 có liên quan đến đông máu, nhưng vẫn chưa rõ nguy cơ này tồn tại trong bao lâu và liệu triệu chứng nhẹ có làm tăng nguy cơ hay không. 

Anne-Marie Fors Connolly tại Đại học Umea ở Thụy Điển và các đồng nghiệp của cô đã phân tích dữ liệu của hơn 1 triệu bệnh nhân COVID-19 và hơn 4 triệu người khỏe mạnh. Họ tính toán khả năng bị huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi - cục máu đông trên phổi - và các loại chảy máu khác nhau, chẳng hạn như xuất huyết tiêu hóa hoặc vỡ mạch máu ở não. 

Nhóm tác giả xác định nguy cơ thuyên tắc phổi tăng gấp 33 lần, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu tăng gấp 5 lần và nguy cơ chảy máu tăng gần gấp đôi trong 30 ngày sau khi nhiễm bệnh. Mọi người vẫn có nguy cơ thuyên tắc phổi tăng lên trong 6 tháng sau khi nhiễm bệnh. 

Mặc dù rủi ro cao nhất ở những bệnh nhân nặng, ngay cả những người bị COVID-19 nhẹ cũng có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu tăng gấp 3 lần và thuyên tắc phổi tăng gấp 7 lần. 

Chuyên gia Connolly nói: “Thuyên tắc phổi có thể gây tử vong, vì vậy điều quan trọng là phải biết diễn biến này. Nếu bạn đột nhiên thấy khó thở không thuyên giảm và từng nhiễm COVID-19, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp, vì chúng tôi nhận thấy nguy cơ này tăng lên trong vòng 6 tháng kể từ khi dương tính”. 

Tiến sĩ Ho cho biết, kết quả nghiên cứu trên vẫn phù hợp ngay cả khi Omicron lan tràn, vì vaccine hiện tại có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa trở nặng vì COVID-19 nhưng các ca nhiễm đột phá vẫn phổ biến, ngay cả khi đã tiêm 3 liều vaccine . 

“Dù vẫn có khả năng xuất hiện các biến thể mới đáng lo ngại, hầu hết các chính phủ đang loại bỏ các hạn chế và chuyển trọng tâm sang việc xác định cách tốt nhất để sống chung với COVID-19. Nghiên cứu này nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải cảnh giác với các biến chứng liên quan đến nhiễm SARS-CoV-2 dù nhẹ, bao gồm cả cục máu đông”, Tiến sĩ Ho khuyến cáo. 

(Nguồn: Vietnamnet/Guardian)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp