• Zalo

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017: Nóng chuyện ‘giải cứu lợn’

Kinh tếThứ Tư, 17/05/2017 13:39:00 +07:00Google News

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, tình trạng giá lợn xuống thấp ở mức kỷ lục khiến cả nước phải phát động phong trào “giải cứu lợn” tiếp tục trở thành vấn đề nóng.

Phát biểu trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, diễn ra sáng nay (17/5) tại Hà Nội, ông Phạm Văn Sơn – thành viên Ban quản trị tập đoàn Đức Hạnh BMG, (doanh nghiệp có doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng) đã có những phản ánh và kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Nhận xét về 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, ông Sơn cho biết, các doanh nghiệp thấy sự tác động rất lớn của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đã chuyển tư tưởng từ quản lý là chính sang phục vụ doanh nghiệp.

Hinh anh

Ông Sơn cho rằng, Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu quốc gia về thực phẩm, chăn nuôi. (Ảnh Đức Thuận)

Nhận định về tình hình kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện tại, ông Sơn nói: Tình hình thế giới đang hết sức phức tạp, nên kinh tế toàn cầu chưa phục hồi sau suy thoái, tình hình kinh tế trong nước còn diễn biến phức tạp, dư âm bong bóng bất động sản còn ảnh hưởng. Thời gian qua, giá heo, giá gia cầm xuống thấp kỷ lục.

Ông Sơn kiến nghị, Chính phủ sớm tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh những sản phẩm nông nghiệp (thuốc thú y thức ăn chăn nuôi, các hộ kinh doanh và nông dân…) bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho hộ dân vì có một số hộ dân đã tìm đến việc tự tử vì lỗ quá nhiều, không có khẳ năng trả nợ. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ trang trại, hỗ trợ gói hàng 100.000 tỷ cho vay để vượt qua khó khăn lúc này.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành cùng vào cuộc để kết nối với các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, hướng đến một nền xuất khẩu thực phẩm chuyên nghiệp.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng lợn ế hiện nay, cần huy động các doanh nghiệp trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh, làm dăm bông, ruốc, xúc xích… theo tiêu chuẩn y tế thế giới. Qua đó, xây dựng sản phẩm thương hiệu quốc gia và xuất khẩu.

“70% dân số nước ta làm nông nghiệp, xây dựng Việt Nam thành bếp ăn của thế giới, điểm đến của du lịch là điều hoàn toàn có thể làm được” – ông Sơn nói.

Video: Chủ trang trại dùng phân lợn giải cứu cho đàn lợn mất giá

Để làm được điều đó, theo ông Sơn, cần phải xây dựng và quy hoạch các vùng nguyên liệu cho nông sản, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thuốc thú y để tránh nhập khẩu. Ông Sơn cho biết, riêng những nguyên liệu trên mỗi năm nước ta nhập khẩu tới gần 6 tỷ USD.

Ngoài ra, để ngành chăn nuôi không lặp lại câu chuyện “giải cứu lợn” như vừa qua, ông Sơn cho rằng phải quy hoạch vùng chăn nuôi, cấp phép và kiểm soát chất lượng đầu ra, đầu vào của người nông dân thật nghiêm ngặt. Tránh tình trạng nguyên liệu có thuốc trừ cỏ, bị mốc, nhiễm kim loại, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… gây ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia. Hướng người nông dân và nền nông nghiệp đến sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn