Khoảng một năm nay, nam thanh niên quê ở Sơn La có các triệu chứng mệt mỏi, ho nhiều, ho ra máu, đi khám ở nhiều nơi không ra bệnh. Sau khi đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) bác sĩ chẩn đoán phát hiện nhiễm sán lá phổi.
Bệnh nhân được điều trị thuốc theo phác đồ diệt sán, hiện sức khỏe đã ổn định.
Theo các bác sĩ, bệnh sán lá phổi thường xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An.
Nguyên nhân do thói quen ăn uống của người dân khi ăn tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống, nguy cơ bị ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng. Sau đó, chúng xuyên qua cơ hoành và màng phổi, vào phế quản để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.
Sán lá phổi có nhiều loài khác nhau (hơn 40 loài) nhưng có 2 loài thuộc nhóm sán lá phổi có mức độ gây hại nhất đó chính là Paragonimus heterotremus và Paragonimus westermani.
Các loài sán lá phổi này thường có kích thước khá lớn, độ dài khoảng 8-16mm và có hình dáng như hạt cà phê, màu hoi hồng hoặc màu đỏ bã trầu, vỏ sán có gai nhỏ, mạng lưới ống ruột ngoằn ngoèo, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường những con sán đã trưởng thành.
Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh cũng như các bệnh lý nền kèm theo mà mỗi người bệnh lại xuất hiện những triệu chứng bệnh khác nhau. Điển hình như: rối loạn tiêu hóa, đau bụng dẫn tới tiêu chảy, tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi, ho kéo dài, ho khạc đờm có kèm máu, đau tức ngực, sốt nhẹ, cơ thể dần yếu ớt, khả năng hô hấp bị hạn chế.
Để phòng tránh lây nhiễm sán lá phổi, cần phát hiện sớm các trường hợp người bệnh sán lá phổi, điều trị dứt điểm nhằm hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh. Chú ý tới chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Không nên ăn các loại đồ ăn sống như tôm, cua nước ngọt. Đồng thời, vệ sinh tay và các dụng cụ chế biến thức ăn một cách sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các loại tôm, cua, cá sống.
Bình luận