Người phụ nữ 38 tuổi ở Hà Nội có thói quen ăn rau sống, thường xuyên tiếp xúc với chó mèo, thỉnh thoảng tức nặng bắp chân hai bên. Gần đây, chị đi khám sức khoẻ định kỳ được bác sĩ chỉ định siêu âm ổ bụng và làm các xét nghiệm máu cơ bản.
Kết quả siêu âm tổn thương gan, xét nghiệm có chỉ số Bilirubin (chỉ số giúp tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng sức khỏe như vàng da, thiếu máu và các bệnh lý gan mật, hồng cầu, nhiễm trùng) và bạch cầu ái toan đều tăng.
Xét nghiệm tìm giun sán cho kết quả dương tính với 6 loại ký sinh trùng gồm giun đũa, giun tròn, giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Bác sĩ tư vấn chị chụp MRI, CT đánh giá tổn thương gan.
Chụp MRI phát hiện nhiều tổn thương dạng nốt, khối khu trú trong gan, lách, đáy phổi trái. Đồng thời, chụp CT ghi nhận hình ảnh tổn thương rải rác nhu mô phổi hai bên, hạch trung thất, nốt giảm tỷ trọng nhu mô gan và lách.
Từ kết quả chụp chiếu, bác sĩ đánh giá, bệnh nhân tổn thương tại gan, lách, phổi và kết quả xét nghiệm dương tính với các loại giun sán do ký sinh trùng, nên chẩn đoán xác định tổn thương gan, lách, phổi theo dõi do ký sinh trùng. Sau đó, bệnh nhân được tư vấn, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tránh biến chứng.
Tiến sĩ Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, đây là trường hợp hiếm gặp do bệnh nhân biểu hiện sức khỏe bình thường, may mắn kiểm tra sức khỏe định kỳ phát hiện được bệnh, điều trị kịp thời. Bác sĩ nhận định nguyên nhân chị mắc ký sinh trùng có thể do thói quen ăn rau sống và thường xuyên tiếp xúc với chó mèo.
Nhiễm sán lá gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm đường mật cấp tính, áp xe gan, viêm túi mật, tụ máu dưới bao gan. Triệu chứng ban đầu của bệnh chỉ là chán ăn, mệt mỏi. Còn nhiễm giun đũa chó mèo gây ngứa dai dẳng, khiến cuộc sống người bệnh gặp nhiều khó khăn, nguy cơ bị tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây động kinh, co giật, nhầm tưởng bị u não hoặc tâm thần.
“99% nguyên nhân mắc bệnh giun sán đến từ thói quen ăn uống, do thức ăn chưa được nấu chín kỹ hoặc không hợp vệ sinh, chứa trứng hoặc ấu trùng sán, số ít còn lại có thể lây nhiễm qua da từ thói quen đi chân trần”, bác sĩ Cương nói.
Bác sĩ khuyến cáo người dân tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh ăn uống, không ăn thịt sống hoặc tái, không ăn thịt động vật mắc bệnh; ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ một năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định); phát hiện và tẩy sán kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.
Bình luận