Phí chồng phí
Lấy lý do tạo nguồn thu đầu tư hạ tầng giao thông, Hà Nội sẽ đầu tư xây hệ thống thu phí, tiến tới thu phí khép kín hoặc theo từng loại xe và quãng đường cụ thể với phương tiện đi trên phần cao tốc của Đại lộ Thăng Long. Phương tiện lưu thông trên đường gom không phải đóng phí. Trường hợp người tham gia giao thông không muốn đóng phí có thể lựa chọn hệ thống đường gom hai bên.
Tuyến cao tốc này được xây dựng với tổng mức đầu tư là 7.527 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 1.840 tỷ đồng và vốn của Hà Nội là 5.687 tỷ đồng theo hình thức BT, nhà thầu là TCty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng - Vinaconex.
Việc lên kế hoạch thu phí trên tuyến cao tốc này ngay lập tức gặp sự phản ứng của dư luận.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, việc thu phí tại Đại lộ Thăng Long sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí. Thực tế là các chủ phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ, vì vậy việc lập trạm thu phí với lý do hoàn vốn là không thuyết phục.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia phân tích, dự án này phần lớn được xây theo hình thức BT, đơn vị thi công đã được đối ứng nhiều quỹ “đất vàng” nên không thể bắt người dân phải đóng phí.
Lật lại thương vụ góp 3000 tỷ
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, để có được các dự án bất động sản béo bở dọc trục đường này khi xây dựng Đại lộ Thăng Long, năm 2009 nhà thầu thi công dự án là Vinaconex đã làm văn bản xin thực hiện các cơ chế tài chính “thoáng” gửi lên UBND TP.Hà Nội.
Theo đó, với lý do huy động ngay được nguồn tài chính đáp ứng đúng tiến độ thi công gấp rút tuyến đường Láng – Hòa Lạc, một liên doanh giữa các công ty lớn tại Việt Nam do Vinaconex làm đại diện (gồm Vinaconex, TCty Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và Cty CP Tập đoàn Hòa Phát) đã ra đời.
Việc “khai sinh” liên danh này nhằm mục đích “xin phép UBND TP.Hà Nội lập quy hoạch chi tiết và được giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại xã Tây Mỗ, Đại Mỗ”. Đổi lại, liên danh này “cam kết góp số tiền ban đầu là 3.000 tỷ đồng để ứng vốn ngay cho công tác hoàn thành xây dựng đường Láng – Hòa Lạc” sau khi được UBND TP.Hà Nội chấp thuận.
Nói là làm, ngay trong đợt một, liên doanh do Vinaconex làm đại diện đã “rót” 750 tỷ đồng vào ngân sách. Cũng có thể từ đây, sự ưu ái của chính quyền Thủ đô dành cho liên doanh bắt đầu “đậm nét” hơn.
Có sự cam kết góp tiền cũng như đề xuất từ phía doanh nghiệp, cuối tháng 12/2009, UBND TP.Hà Nội đã có công văn “đồng ý giao Vinaconex – Viettel lập nhiệm vụ và quy hoạch chi tiết xây dựng, đồng thời làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ”.
Và sau đó, công văn do nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - Phí Thái Bình ký ngày 15/3/2010 cho thấy, dự án Khu đô thị mới tại xã Tây Mỗ, Đại Mỗ đã được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, giao Vinaconex – Viettel (thay mặt liên danh) lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng, làm chủ đầu tư và triển khai dự án này với quy mô 292,7ha.
Đồng thời, chính quyền thành phố cũng đốc thúc UBND huyện Từ Liêm khẩn trương chỉ đạo UBND xã Đại Mỗ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền, “để Vinaconex – Viettel vào khảo sát đo đạc khu đất của dự án thuộc xã Đại Mỗ”…
Sau đó, UBND TP.Hà Nội đã đồng ý giao Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất Hà Nội thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (giải phóng mặt bằng) để tạo quỹ đất sạch Khu đô thị Tây Mỗ, Đại Mỗ.
Theo đó, kinh phí thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng nguồn vốn của nhà đầu tư (liên danh do Vinaconex đại diện)…
Bình luận