• Zalo

Hàng loạt vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa: Trung Quốc áp dụng chiêu 'nói mãi thành nhàm' nguy hiểm

Thế giớiThứ Năm, 16/08/2018 11:55:00 +07:00 Google News

Trung Quốc đang từng bước, từng bước một thực hiện hoá ý đồ bành trướng và độc chiếm Biển Đông bằng những “chiêu bài” hết sức nguy hiểm như đẩy mạnh truyền bá dư luận và giáo dục thanh thiếu niên nước này những tư tưởng bá quyền, vô pháp.

Cuối tháng 7 vừa qua Trung Quốc cho tổ chức các hoạt động kỷ niệm 6 năm thành lập cái họ gọi là “thành phố Tam Sa”, tiếp đến lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho phép kênh Thiếu nhi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi ở Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, rồi Đại học Trung Sơn Trung Quốc thực hiện một loạt các khảo sát khoa học tổng hợp ở Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam …

Trước những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam, gây căng thẳng và bất ổn cho khu vực của Trung Quốc như trên, nhà báo, chuyên gia về các vấn đề quốc tế, nhà bình luận chính trị Phạm Phú Phúc đã có những chia sẻ từ góc độ chuyên môn giúp độc giả VTC News hiểu thấu đáo ý đồ thực sự của Trung Quốc khi triển khai những hành động này là gì? Và đối sách nào là tối ưu cho Việt Nam khi xử lý các tranh chấp trên Biển Đông trong bối cảnh hiện nay?

Pham phu phuc binh luan 1

Nhà báo Phạm Phú Phúc bình luận thời sự quốc tế trên kênh Truyền hình thông tấn. (Ảnh: TTXVN)

“Mưa dầm thấm lâu”

Đây chính xác là chiêu bài được xây dựng và thực hiện có hệ thống của Bắc Kinh. Họ không ngẫu nhiên, không bột phát khi triển khai những hành động vi phạm trên các đảo thuộc chủ quyền của nước ta, mà nếu nhìn lại một chút, thì Trung Quốc đang cố tình mang cái sai của mình ra cho người khác mổ xẻ, phản đối hết lần này đến lần khác. Một khi cái sai đó cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thì nó nghiễm nhiêm sẽ đóng đinh vào trong đầu người khác rằng nó là một thực tế đang diễn ra. Đây chính là bước đầu Trung Quốc đạt được mục đích.

Chiêu bài “mưa dầm thấm lâu” hết sức nguy hiểm này đang được Trung Quốc thực hiện một cách có bài bản, có hệ thống, có đầu tư.

Bắt đầu bằng việc tháng 7/2012 Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý một khu vực mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền, trong đó bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nguỵ tạo bằng chứng phi pháp về chủ quyền bằng cách công bố bản đồ “đường chín đoạn phi pháp”, cấp hộ chiếu cho công dân có in bản đồ Trung Quốc với đường chín đoạn phi pháp này, tiếp đó là đưa khách du lịch ra các đảo tham quan, đưa vào chương trình giáo dục từ tiểu học đến phổ thông của nước này rằng Trung Quốc chính nghĩa và đang bị các nước khác đánh hội đồng v.v...

Bước tiếp theo vào năm 2014 Trung Quốc một mặt cho cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm đang do nước này chiếm hữu thành các đảo nhân tạo có diện tích lớn ngang cấp độ các đảo tự nhiên bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines và cộng đồng quốc tế, mặt khác tuyên bố không quân sự hoá.

Những năm gần đây Bắc Kinh liên tục đưa tàu và máy bay hải quân ra tuần tra, trinh sát, tiếp đến là triển khai chiến hạm và chiến cơ, vũ khí quân sự, tên lửa tầm xa, radar ... tới các bãi đá cải tạo trái phép này. Trung Quốc vô lối cấm các phương tiện tàu, thuyền quốc tế đi vào khu vực nước này tuyên bố chủ quyền, sau đó lại nêu điều kiện muốn đi qua phải xin phép Bắc Kinh.

Vậy thì, việc Trung Quốc đưa thiếu nhi ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam làm chương trình thực tế hay cho phép sinh viên tới thực địa thì tất cả chiêu bài này đều nằm trong một kế hoạch lâu dài của Trung Quốc nhằm từng bước “đặt sự đã rồi”, thiết lập quyền kiểm soát trên Biển Đông, sau đó là thâu tóm toàn bộ khu vực.

24a_xcvv 5

 Hình ảnh các cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh: Stratfor) 

Chiêu bài nguy hiểm “nói mãi thành nhàm”

Chiến lược này của Trung Quốc không đơn thuần là “gặm nhấm” mà là leo thang theo các cấp độ phi lý với cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có chủ quyền liên quan.  Họ không sợ hãi chỉ trích, không e dè kiện tụng, không ngại đối đầu. Bằng chứng là cộng đồng quốc tế càng lên án, chỉ trích Bắc Kinh lại càng cho đó là một thắng lợi, bởi chiêu bài “nhắc đi nhắc lại thành nhàm” họ đang áp dụng có hiệu quả.

Công dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài mặc áo in bản đồ “đường chín đoạn phi pháp” và mặc định với tên gọi “đường lưỡi bò” là đỉnh điểm trong chiến lược lợi dụng truyền thông hiệu quả của Trung Quốc, biến từ cái trừu tượng thành cái hữu hình, khiến mỗi người khi nhắc đến “Trung Quốc phi pháp trên Biển Đông” là mặc định trong đầu bản đồ hình lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra một cách rất dễ nhớ.

VN-TQ-bien-Dong 4

 Hai tàu Trung Quốc đổ bộ tập trận chiếm đảo trên Biển Đông với các tàu đệm khí chở quân. (Ảnh: mil.huanqiu)

Trung Quốc không có tư cách tham gia các phiên toà quốc tế để xử đúng-sai, thắng-bại, bởi ngay từ đầu họ là nước đi xâm chiếm, nước bồi đắp trái phép, theo đúng lý họ bắt buộc phải rời khỏi, bắt buộc phải tháo dỡ, phá huỷ các công trình xây dựng trái phép, nhưng họ lại cho rằng thưa kiện và xét xử là quốc tế hoá vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, rằng các nước đang ngầm thừa nhận sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng biển này là một thực tế dù đúng hay sai còn phải tranh cãi.

Rõ ràng nhất là vào năm 2016 Tòa Trọng tài ở The Hague đã đưa ra phán quyết cuối cùng vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuyên bố nói rõ Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn. Tuy nhiên, Trung Quốc gần như ngay lập tức nhắc lại lập trường bác bỏ mọi quyền tài phán của bên thứ ba. Tiếp tục đi theo con đường cũ, thậm chí hung hăng hơn.

Giải pháp duy nhất là các bên kiên trì đàm phán đa phương, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại, buộc Bắc Kinh cùng các nước ASEAN đàm phán thông qua Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với các điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý, chỉ khi đó mới đảm bảo Trung Quốc không gây tổn hại đến kinh tế, đe doạ an ninh và ổn định khu vực. COC khi đó sẽ là một công cụ đóng góp hiệu quả cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Vấn đề nan giải nhất hiện các nước đang trong tranh chấp biển, đảo với Trung Quốc vấp phải đó là ngoại trừ các nước có tranh chấp trực tiếp, thì vì đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu khiến các quốc gia-ngoài-tranh-chấp sẽ rất khó vào cuộc hay lên tiếng phản đối cụ thể vì bị quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc chi phối.

Như vậy, có thể thấy rằng, Trung Quốc đang lợi dụng sức mạnh truyền thông để làm lợi cho mưu đồ của mình bằng các biện pháp rất bài bản, đồng bộ, nhất quán. Trong khi thuyết phục người dân trong nước về tính chính đáng của các yêu sách phi pháp trên Biển Đông, chính quyền nước này đồng thời đánh trên mặt trận pháp lý, công khai bác bỏ các phán quyết của Toà trọng tài quốc tế, trì hoãn ký kết các hiệp ước, điều luật để làm cơ sở thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.   

Phải đưa công nghệ vào giáo dục biển đảo

Thời đại công nghệ thông tin đã rất phát triển, cũng là lúc chúng ta nên cân nhắc đến việc thay đổi phương thức tuyên truyền cho thế hệ trẻ, không đi vào những lối mòn.

Video: Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam như thế nào? 

Thay vì tuyên truyền, giáo dục nhận thức các em từ trong trường trung học, phổ thông bằng các bài lịch sử khô khan, hay nội dung các công ước, dự thảo quá dài và khó nhớ. Nên chăng chúng ta cần hệ thống hoá lại các bài học bằng phim tài liệu, bằng hình ảnh, các chuyến đi thực tế… để đánh vào trực quan.

Vấn đề này nên được triển khai một cách có hệ thống và đầu tư. Một khi thế hệ trẻ từ các em học sinh, sinh viên nhận thức được đầy đủ về tình hình biển đảo, về chủ quyền của đất nước thì trong thế giới kết nối bằng công nghệ và thông tin chính các em sẽ là những kênh truyền tải với quốc tế nhanh, đủ và hiệu quả nhất về chủ quyền biển đảo của quốc gia mình.

Và đây cũng là đối sách tối ưu nhất của chúng ta trong bối cảnh hiện nay. Một mặt duy trì đối thoại trên cơ sở thượng tôn luật pháp, hoà bình, mặt khác tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế để đấu tranh vì toàn vẹn chủ quyền, biển đảo quốc gia.

Phạm Phú Phúc
Bình luận
vtcnews.vn