Người dân ở khu bãi biển Đồi Dương (thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận) vừa cho biết, con hải cẩu đốm thường lên bờ nô đùa với người dân đã bị đánh chết.
Là người thường xuyên lên án các hành vi giết hại động vật, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) nói:
Tôi thật sự sốc. Có thể nói, đây không thể là hành vi đơn giản chỉ là vui đùa. Đây chính là hiện thân của sự độc ác.
Con người là động vật bậc cao, có suy nghĩ, tư duy, nhưng chúng ta đã sử dụng trí não của mình trong việc gì để hành động, cư xử. Động vật không phải là món đồ chơi của chúng ta. Mọi sinh vật đều có quyền sống và sinh hoạt trên trái đất. Chúng ta không có quyền được vô lý hành hạ những con sinh vật khác.
- Cách đây không lâu, mạng xã hội cũng “nóng ran” với hàng loạt hình ảnh các thanh niên “đánh đập, xẻ thịt” các loài động vật hoang dã như giết khỉ nấu cao, giết Vọoc…Phải chăng người Việt không yêu quý mà thậm chí còn tàn nhẫn với những loài động vật hoang dã?
Điều này thì quá chính xác rồi. Người Việt chúng ta xưa nay đều tự coi mình là sinh vật thượng đẳng, có quyền sinh quyền sát.
Điều này là nguyên nhân của mọi hành vi hành hạ, đánh đập, giết hại động vật kể cả động vật hoang dã. Chúng ta không hề coi những sinh vật đó như những thành viên của gia đình trái đất mà chỉ coi chúng như thực phẩm và món đồ chơi của con người.
- Vì sao lại có thực trạng này, thưa bà?
Người Việt vốn ăn mọi sinh vật họ kiếm được. Đây chính là quan niệm tồn tại từ thời rất xa xưa.
TS Vũ Thu Hương
Thực trạng này có một lý do lớn đến từ quan niệm sống của người Việt. Người Việt vốn ăn mọi sinh vật họ kiếm được. Đây chính là quan niệm tồn tại từ thời rất xa xưa.
Ngày nay, quan niệm này đã hầu như được xóa bỏ trong các quốc gia trên thế giới vì vừa không phù hợp vừa trực tiếp gây hại cho trái đất cũng như con người. Nhưng người Việt chúng ta vẫn giữ quan niệm này cho đến ngày nay.
Nhiều lần, khi tôi lên tiếng phản đối hành vi giết hại động vật, đã có ý kiến hỏi tôi: Vậy hàng ngày tôi có ăn thịt không?
Thực tế là trên thế giới, những người chăm sóc và bảo tồn sinh vật cũng đã đối mặt với các câu hỏi này rất nhiều. Nhưng rõ ràng việc ăn một miếng thịt của một động vật đã chết khác hẳn với việc cầm gậy gộc đánh đập hành hạ, xẻ thịt giết chết một sinh vật đang sống.
Lý do thứ hai rất quan trọng là trong các bài học đạo đức ở trường, chúng ta không dạy trẻ phải tôn trọng và chăm sóc sinh vật.
Chúng ta chỉ dạy trẻ chăm sóc và bảo vệ các sinh vật có ích cho con người như các vật nuôi với mục đích để chúng phục vụ chúng ta. Điều này dẫn đến việc coi rẻ những sinh vật khác.
Video: Xót thương chú hải cẩu bị đánh chết ở Bình Thuận
- Là người được đi nhiều nước trên thế giới, bà thấy rằng cách hành xử của người nước ngoài với các loài động vật như thế nào?
Khi qua thăm các nước, tôi thật sự cảm phục cách sống nhân văn của người dân nhiều nước trên thế giới. Họ chăm sóc, yêu thương và hiểu các sinh vật nuôi của họ. Họ trân trọng bảo vệ các sinh vật tự nhiên.
Tôi đã rất nhiều lần được tiếp xúc với các sinh vật ở những nơi đó. Chúng thật tự nhiên, dễ thương và gần gũi với con người.
Những đàn chim bồ câu có thể chạy nhảy lách tách ngay dưới chân chúng tôi vì chúng biết đang rất an toàn. Những con thiên nga nhẹ nhàng bơi vào bờ khi chúng tôi gọi bởi vì chúng cảm thấy không có gì nguy hiểm.
Ngay cả những con mèo, chúng cũng thể hiện những cử chỉ rất “người” khi làm nũng chúng tôi. Đó là điều vô cùng hiếm gặp tại đất nước chúng ta.
- Khi tham quan các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay ở các nước phát triển như Anh, Pháp… người ta thấy hình ảnh chim bồ câu, sóc… có mặt ở đầy đường, đậu kín ở các khu quảng trường đông đúc. Điều đó thể hiện điều gì, thưa bà?
Theo tôi, điều này thế hiện tầm hiểu biết và tầm nhìn của người dân các nước khá cao. Khi chúng ta bỏ qua những suy nghĩ về thực phẩm, chúng ta hiểu hơn giá trị của động vật đối với sự sống của trái đất và của chính con người thì những hành động của chúng ta cũng trở nên nhân văn hơn.
Khi đó cuộc sống sẽ đẹp hơn và chính bản thân chúng ta cũng cảm thấy chính mình “người” hơn.
Đó cũng chính là nét hấp dẫn đặc biệt của những địa điểm đó với khách du lịch và đem lại cho người dân nhiều lợi nhuận từ công việc dịch vụ du lịch.
- Ở các nước phát triển, chỉ cần một đàn vịt hoang qua đường, đoàn dài ô tô dừng lại nhường đường, hay cảnh sát giao thông chặn đoàn xe bảo vệ đoàn vịt qua đường. Điều đó nói lên điều gì, thưa bà?
Thực ra, những hình ảnh thế này tôi thường xuyên gặp khi đi sang tham quan, học tập ở những nước phát triển.
Có lần tôi đã nhìn thấy một cậu bé, vì muốn đi sang phía đối diện mà không muốn kinh động một chú chim bồ câu đang nhặt thức ăn, cậu bé đã đi vòng một đoạn đường vòng rất xa.
Những hành động nhân văn này đương nhiên đến từ những quan niệm và suy nghĩ rất có tầm.
Tại sao tôi nói như vậy? Đơn giản bởi vì mọi sinh vật tồn tại trên trái đất đều có một vị trí và nhiệm vụ đối với sự tồn vong của cả thế giới sinh vật và con người.
- Vì sao trên đường phố, những nơi công cộng ở Việt Nam lại không bao giờ thấy sự xuất hiện của những loài động vật hoang dã, chim chóc…?
Đấy chính là vì người Việt ít có suy nghĩ coi trọng mọi sinh vật. Mỗi khi nhìn thấy một con sinh vật vô chủ, lập tức chúng ta nghĩ đến các món ăn trên bàn nhậu và nghĩ đến những chất bổ mà món ăn đem lại.
Thực tế hiện này đất nước ta không còn nghèo đến mức người dân phải đi kiếm ăn từng bữa và phải ăn mọi thứ kiếm được.
Thế nhưng, thói quen ăn bất kể sinh vật nào chúng ta tìm thấy vẫn ăn rất sâu trong suy nghĩ của người Việt.
Cũng chính vì thói quen này, chúng ta không hề có chút áy náy gì khi đánh đập, hành hạ các sinh vật khác. Rõ ràng quan niệm này cần phải được thay đổi sớm.
Video: Chú Hải cẩu ở Bình Thuận nô đùa với người dân trước khi bị đánh chết
- Nhiều người đã nói thẳng ra “đến người già trẻ nhỏ sang đường còn không được nhường, thậm chí là bị tông ngã chứ nói gì đến nhường vịt sang đường”. Người Việt vô tâm và tàn nhẫn đến thế sao, thưa bà?
Quan niệm trên có thể nói là vô cùng tàn nhẫn và thiếu hiểu biết.
Trước hết, những quy tắc ứng xử trong xã hội phải được coi trọng dù đó là trẻ em, người già hay bất cứ ai. Thái độ vô tâm đến mức coi thường tính mạng người khác thì không thể chấp nhận được dù cho ở bất kì xã hội nào.
Ngoài ra, câu nói trên còn thể hiện quan niệm coi con người là thống soái và có quyền hành hạ mọi sinh vật. Tôi nghĩ có lẽ những người có quan niệm này đã thật sự thiếu hiểu biết về thế giới sinh vật.
- Những hình ảnh ra tay tàn độc với động vật sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc hình thành nhân cách của các em nhỏ khi các em sẽ thấy nhiều hơn những hình ảnh này trên truyền thông, trên mạng xã hội, thưa bà?
Tôi cảm thấy lo ngại vô cùng khi bọn trẻ đã không được dạy yêu thương loài vật lại được chứng kiến những cảnh tượng tàn ác thế này.
Cách đây vài năm, tôi thật sự rất sốc và đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh một cô bé ngồi ôm xác một con chó bị chính bố mẹ cháu giết để ăn thịt.
Có thể nói, tâm hồn đứa trẻ quá bị tổn thương khi chứng kiến hành vi tàn ác của chính những người đẻ ra chúng. Từ vài lần tổn thương đó, dần dần trẻ sẽ chai sạn và cũng dần dần bị tiêm nhiễm quan điểm độc ác với loài vật.
Đây có thể nói là một điều đáng để chúng ta phải lo lắng.
- Có quá không khi nói ở nhiều nơi ngay ở Việt Nam, còn quá nhiều người có trình độ văn hoá rất thấp như ở thời kỳ sơ khai của sự phát triển, thời kỳ ăn lông ở lỗ, hái lượm, săn bắt...?
Tôi thật sự rất sốc và đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh một cô bé ngồi ôm xác một con chó bị chính bố mẹ cháu giết để ăn thịt.
TS Vũ Thu Hương
Nói như vậy có lẽ không quá bởi vì chính nhu cầu tìm kiếm thức ăn từ thời kì sơ khai đã chính là nguyên nhân của quan niệm độc ác với loài vật.
Điều đáng nói là xã hội ngày càng phát triển, thế giới ngày càng phẳng. Vì thế, những quan niệm này nếu không sớm thay đổi thì sẽ trở nên lạc lõng thậm chí có thể nhận sự tẩy chay từ những cộng đồng phát triển.
- Cộng đồng cần có thái độ, cách ứng xử như thế nào đối với những hành động tàn độc đối với động vật để những hình ảnh xấu này không còn ám ảnh dư luận?
Thực tế, việc cần làm là ngay lập tức đưa các bài học đạo đức về chăm sóc và tôn trọng sinh vật vào trong chương trình giáo dục trẻ và giáo dục cộng đồng.
Cả cộng đồng cần hiểu biết và có thái độ đúng đắn với những sinh vật quanh ta đồng thời có thái độ nghiêm túc và đúng đắn với những hành vi gây hại động vật vô lý.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận