(VTC News) - Không khí Hà Nội chủ yếu ô nhiễm bụi, có thời điểm đo tại một số nút giao thông nhiều phương tiện và công trình đang xây dựng cao gấp 5-6 lần tiêu chuẩn cho phép.
>> Những con đường ‘đau khổ’ giữa Thủ đô
Thông tin trên được ông Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng phòng Kiểm soát không khí và nhập khẩu phế liệu (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra trước thềm Hội thảo “Cải thiện chất lượng không khí và giao thông đô thị”, do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức vào ngày 21/3 tới đây.
Ông Đức đánh giá, chất lượng không khí của các đô thị Việt Nam đang suy giảm, nhiều nơi vấn đề ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động. Tại các thành phố lớn, 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí là từ các phương tiện cơ giới đường bộ.Tỷ lệ ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã cao gấp 1-2 lần tiêu chuẩn cho phép, một số nơi cao gấp 5-6 lần tiêu chuẩn. Ảnh chụp đường 32 - đoạn Nhổn (huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Theo ông Đức: “Tỷ lệ ô nhiễm bụi tại Hà Nội cao hơn gấp 1-2 lần tiêu chuẩn cho phép, tại một số nút giao thông và công trình đang xây dựng tỷ lệ bụi cao gấp 5-6 lần cho phép, còn nội thành ô nhiễm hơn nhiều lần ngoại thành. Các thông số khác NOx, SOx, Benzen… đều dưới ngưỡng cho phép, nhưng đang có xu hướng tăng lên”.
“Điều này cho thấy, ô nhiễm giao thông hiện nay đang là một trong những tác nhân lớn nhất có ảnh hưởng đến không khí đô thị và trực tiếp tác động đến sức khỏe người dân”, đại diện Tổng cục Môi trường đánh giá.
“Quản lý, xử phạt ô nhiễm nước, chất thải rắn đã có các quy định của pháp luật với chế tài xử lý mạnh, nhưng cơ sở pháp lý về quản lý chất lượng không khí vẫn còn thiếu rất nhiều. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có sự phân chia xé lẻ, chưa có sự phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí trong đô thị”, ông Đức chỉ ra thiếu sót.
Trong khi đó, theo ông Marc Cagnard, Giám đốc cơ quan Thương mại UBIFRANCE (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) cho rằng, ô nhiễm không khí không nhìn thấy được nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
“Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân như: ôtô, xe máy. Tuy nhiên, Hà Nội là thành phố có tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng thấp nhất châu Á, với 4 triệu phương tiện cá nhân, và đang có xu hướng gia tăng” ông Marc Cagnard đánh giá.
Ông Marc Cagnard đưa ra dẫn chứng, tại Hà Nội hệ số phát thải bụi trong không khí (PM10) đã gấp đôi mức cho phép, giao thông đường bộ Hà Nội chính là nguồn gốc của hầu hết lượng oxyde azotetrong thành phố.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí tại khu vực đô thị cần có nhiều biện pháp để xử lý. Riêng đối với lĩnh vực ô nhiễm giao thông, cần thực hiện đồng bộ việc quy hoạch đô thị tổng thể phải chú trọng đến các vấn đề giao thông, tăng cường phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện trên không, xe điện ngầm...) và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm.
Lê Việt
Bình luận