Video clip: Giáo viên mầm non bám trụ ở thành phố, khắc khoải chờ ngày đi làm
Người ở nhà chăm con, người bán cà phê
5 tháng qua, chị Võ Thị Mỹ Nương (35 tuổi, giáo viên mầm non tại TP Thủ Đức, TP.HCM) phải gắn bó với căn phòng trọ để chăm 2 con nhỏ. Chị Nương cho biết trước thời điểm dịch bệnh bùng phát, chị làm việc tại trường mầm non tư thục Rồng Vàng (TP Thủ Đức). Tuy nhiên, từ tháng 5/2021, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, trường phải tạm dừng hoạt động.
Từ ngày không được đi làm, chị ở phòng trọ và chăm sóc cho 2 con. Thu nhập của gia đình đều trông chờ vào công việc tài xế lái xe của chồng chị.
“Khi dịch bệnh chưa căng thẳng, chồng tôi còn đi làm. Sau đó, diễn biến dịch bệnh phức tạp, chồng tôi phải ở nhà trong 2 tháng. Lúc đó, gia đình tôi phải nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Những khoản tiền tiết kiệm của gia đình cũng được mang ra sử dụng. Từ tháng 8, chồng tôi bắt đầu quay lại công việc với hình thức 3 tại chỗ”- chị Nương kể.
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT TP.HCM, tính đến nay, ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục giải thể vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, trong đó 82% là giáo viên mầm non.
Chị Nương lo lắng: “Nếu tình hình chưa thể quay trở lại làm việc và kéo dài đến cuối năm, tôi dự định sẽ cho các con về quê ở nhà ngoại để tôi có thể tìm việc làm. Tôi suy nghĩ rất nhiều, cứ như thế này thì chỉ với thu nhập của chồng sẽ không đủ trang trải cho chi phí đời sống, tiền thuê trọ. Tôi đang suy nghĩ về nghề thời vụ hoặc tạm thời làm công nhân trong khoảng thời gian chưa trở lại công việc chính”.
Cùng làm việc ở Trường mầm non tư thục Rồng Vàng, chị Lâm Tú Phụng (SN 1987, quê ở tỉnh Hậu Giang) cho biết, bản thân chị đã có hơn 10 năm sống ở TP.HCM. Trong thời gian nghỉ việc vì dịch bệnh, ban đầu chị cứ nghĩ là chỉ tạm nghỉ 1-2 tháng sẽ được đi làm trở lại. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, chị quyết định ở lại thành phố và không về quê.
Trường mầm non nơi chị làm việc cũng đang gặp khó khăn nên chưa thể có hỗ trợ cho người lao động. Để bám trụ ở TP.HCM, chị phải kinh doanh online và mới đây là mở một quầy cà phê, nước giải khát để kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, thu nhập từ hàng nước giải khát chưa đến 200.000 đồng nhưng với chị, số tiền này có thể giúp chị trang trải cuộc sống hiện tại để đợi ngày được quay lại với công việc chính.
“Bản thân tôi yêu thích nghề mầm non, yêu thích được đi dạy và gắn bó với trẻ, nên cũng cố gắng ở lại thành phố và đợi ngày làm việc trở lại. Mong là trường sớm được mở cửa trở lại để giáo viên có thể có công việc và thu nhập ổn định hơn”- chị Phụng trải lòng.
“Nếu không có quỹ dự phòng sẽ rất vất vả”
5 tháng dừng hoạt động, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại TP.HCM đang phải gồng gánh để trả tiền thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, một số đơn vị phải dùng đến quỹ dự phòng để chi trả lương cho người lao động và duy trì hoạt động cơ sở, vật chất.
Bà Phạm Thị Thúy Vĩnh – Thành viên Ban Quản trị hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Thủ Đức) cho biết, vào năm 2019, hệ thống trường mầm non của hệ thống có 1.100 bé với mỗi trường trên 500 bé ở TP.HCM và Bình Dương. Nhưng năm học 2020, do dịch bệnh phải nghỉ học rất nhiều, trường mầm non tại TP.HCM chỉ hoạt động 50% trong khoảng 6 tháng, thời gian còn lại phải xen kẽ giữa nghỉ và học do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đến năm nay 2021, số lượng học sinh ở TP.HCM của Trường Mầm non Ngô Thời Nhiệm chỉ còn khoảng 350 em.
“Gần đây, khu vực xung quanh bắt đầu thành lập các nhóm trẻ gia đình, 5-7 em/nhóm. Bởi các phụ huynh sợ đến trường tập trung đông hoặc vì cứ nghỉ vài hôm lại đi học, cứ chập chờn như thế nên phụ huynh không yên tâm”- bà Vĩnh cho biết.
Cũng theo bà Vĩnh, toàn hệ thống trường Ngô Thời Nhiệm có khoảng 750 người lao động, đa số là lực lượng cơ hữu. Trong thời gian nghỉ do dịch bệnh, trường vẫn cố gắng trả lương, nhưng không thể trả lương đầy đủ được mà chỉ có thể chi trả lương cơ bản cho cán bộ quản lý, khối văn phòng, bảo vệ, giáo viên phổ thông. Riêng giáo viên mầm non chỉ hưởng 50% lương cơ bản.
“Đa số người lao động là lực lượng cơ hữu, cho nên gồng gánh rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi có nguồn quỹ dự phòng, nếu không có nguồn dự trữ thì sẽ rất vất vả. May mắn là lâu nay chúng tôi không sử dụng tiền lợi nhuận để tái đầu tư mà để dự trữ. Cho nên hiện tại có tiền để trả lương mà không phải vay ngân hàng”- Bà Vĩnh cho hay.
Trước những khó khăn hiện tại, Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại TP.HCM đã có Thư gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Xét kiến nghị trên, ngày 25/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi. Trong đó, Bộ GD&ĐT được giao chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đề xuất cụ thể; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trước ngày 1/11/2021.
Với tình thế hiện tại, giáo viên mầm non và chủ cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập tại TP.HCM chỉ có thể trông chờ vào chính sách tháo gỡ khó khăn sắp được triển khai trong thời gian sắp tới.
Bình luận