Ngày qua, thông tin "Một Giáo sư ở TP.HCM đem sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc" thu hút sự chú ý của nhiều người. Ai nấy đều cảm kích trước sự đóng góp to lớn của ông đối với những người dân miền Bắc đang oằn mình chống bão lũ, với những mất mát về tài sản và tính mạng không bao giờ lấy lại được.
Giáo sư 76 tuổi ủng hộ 1 tỷ đồng cho vùng bão lũ.
Ông là Giáo sư - Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch, hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). Thông tin về ông có thể lạ lẫm đối với nhiều người, nhưng đối với những đơn vị là cầu nối cho các cuộc quyên góp giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do các trận thiên tai, ông là gương mặt đã quá quen thuộc.
Đứng ngồi không yên khi thấy bà con gặp thiên tai
Chúng tôi gặp GS.TS Lê Ngọc Thạch tại nhà riêng của ông ở Quận 11 vào chiều muộn 10/9, lúc ông vừa trở về từ quán cơm thiện nguyện 2.000 đồng gần nhà. Vị Giáo sư 76 tuổi này vừa là nhà tài trợ, vừa là tình nguyện viên chăm chỉ của quán cơm 5 năm nay.
Hôm nay, vẫn trên chiếc xe máy cũ, ông tới quán cơm trễ hơn thường ngày. Tất bật bưng bê cơm đến từng bàn cho người nghèo, không ai biết rằng, trước đó vài tiếng, ông đã mang sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng - vốn là khoản tiền dưỡng già để ủng hộ cho đồng bào bão lũ miền Bắc.
Chỉ đến khi thông tin ông được chia sẻ trên mạng, mọi người trong quán cơm mới giật mình. Mọi người ngạc nhiên không phải vì đóng góp của ông lạ lẫm, họ đã quá quen với những khoản ủng hộ vài trăm triệu của ông cho các quỹ vì người nghèo. Chỉ có điều, số tiền lần này quá lớn, lại là khoản mà ông tích góp dự định để dưỡng già.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông là sự khiêm tốn của một bộ óc uyên thâm. Ông nói cả cuộc đời ông, việc học chưa bao giờ là đủ, kể cả khi bản thân là GS.TS, đã có những công trình khoa học, đã có nhiều cuốn sách trở thành giáo trình học tập, giảng dạy cho học sinh, sinh viên.
Cũng giống như việc thiện nguyện. Ông nói, làm mãi vẫn thấy ít, vẫn chỉ là "muối bỏ bể", vẫn còn quá nhiều người cần được giúp đỡ.
Mấy ngày nay, xem tin tức bão lũ ở miền Bắc, lòng ông quặn thắt. Tiền mặt thì không đủ để giúp đỡ ngay lập tức, nhưng một ngày chậm trễ là một ngày khốn khó đối với người dân. Đứng ngồi không yên, ông quyết định mang sổ tiết kiệm đi ủng hộ.
"Tôi thính lực kém, phải mổ đặt cái máy trong đầu rồi, nhưng vẫn không nghe được, mấy nay chỉ đọc báo được thôi. Tôi mua báo giấy của Tuổi trẻ đọc, thấy bão lũ xót xa quá, muốn giúp quá. Cái sổ tiết kiệm của tôi còn 8 ngày nữa mới tới hạn rút, nếu rút trước thì mất hết tiền lãi, tôi cũng suy nghĩ dữ lắm. Nhưng mà nếu chờ 8 ngày, thì không biết còn kịp giúp mọi người không. Cho nên, sáng sớm nay tôi chạy xe qua báo Tuổi trẻ hỏi luôn, cần quá thì rút đưa nhờ báo ủng hộ luôn", Giáo sư Thạch nói.
Đến báo Tuổi trẻ, ông được tòa soạn ghi nhận vào danh sách nhà hảo tâm quen thuộc. Bởi đây không phải là lần đầu tiên Tuổi trẻ được ông chọn là kênh để kết nối, sẻ chia. Còn đối với số tiền 1 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm của ông, sau khi bàn bạc, tòa soạn quyết định 8 ngày sau mới "chịu" nhận.
"Báo nói là tôi cứ giữ sổ, 8 ngày nữa rút cũng được. Đợi 8 ngày nữa thì tôi còn được lấy chút tiền lãi, tiền lãi tôi xin giữ để sinh hoạt tuổi già, còn 1 tỷ thì báo sẽ gửi đến đồng bào miền Bắc. 1 tỷ đối với cá nhân, lớn thật, nhưng đối với cả đồng bào đang hứng thiên tai ngoài đó thì cũng chẳng được bao nhiêu", Giáo sư Thạch chia sẻ thêm.
"Ráng sống thêm chút để giúp được nhiều người hơn"
Khi được hỏi ông đã đóng góp khoảng bao nhiêu tiền, tương tự đợt này cho các lần thiên tai trước đây, ông thật thà nói: "Không nhớ được, mấy đợt trước thì chút chút, ít hơn, đóng qua nhiều kênh lắm. Đợt này thấy khổ quá nên đóng nhiều hơn chút. Tổng cả, có hóa đơn thì chắc vài ba tỷ".
Đấy chỉ là con số đã góp cho ảnh hưởng của thiên tai, với các quỹ khác, số tiền mà ông đã giúp đỡ khó mà thống kê được.
Chẳng hạn, khi chúng tôi hỏi hình như ông có đóng góp cho giải thưởng Lê Văn Thới của Trường Đại học Khoa học tự nhiên? Ông đáp: "Ừ có ít ít". Và "ít ít" theo cách của ông nói là 500 triệu đồng.
Hay, việc ông nói mình có tặng ít sách cho một số trường học. Và "ít sách" đó là hơn 1.000 cuốn, gồm nhiều thể loai từ sách tra cứu, sách chuyên ngành, luận án tiến sĩ, đề án, công trình nghiên cứu... Đấy là chưa kể quỹ dành cho các mái ấm, trường học, học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà ông đã lập hoặc tham gia.
"Tôi muốn cuộc sống của tất cả mọi người ngày càng tốt lên, đất nước mình ngày càng tốt lên. Cho nên, tôi thấy mình mà làm được gì cho những điều đó là tôi làm. Như viết sách, dạy học trò, giúp người nghèo khổ... Cứ làm gì tốt là tôi tham gia. Giờ tôi đang ráng giữ sức khỏe, sáng nào cũng đi tập thể dục, ăn uống đầy đủ, để sống được lâu hơn chút, giúp được thêm chút.
Hồi trước còn làm quản lý, phải họp hành nhiều, giờ hưu trí rồi, thỉnh thoảng đi dạy nên dư nhiều thời gian. Hồi chiều tôi vừa tham gia phát học bổng cho các em ở Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Sáng thứ Năm sẽ lại đến làm tình nguyện viên tiệm cơm 2.000 đồng. Sáng Chủ nhật sẽ tham gia thiện nguyện tại Trại phong Bến Sắn. Mục tiêu trong năm nay của tôi là viết xong thêm một cuốn sách", vị Giáo sư già bộc bạch.
Con cái của Giáo sư Lê Ngọc Thạch cũng là những GS.TS, là giảng viên, bác sĩ có tiếng tại TP.HCM. Mọi quyết định của ông đều được các con ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình.
Bình luận