Giá tăng nhưng nhiều khách sạn Hà Nội vẫn ‘tối đèn’

Thị trườngThứ Bảy, 22/10/2022 11:21:19 +07:00
(VTC News) -

Dù giá tăng 30% so với năm ngoái, nhiều khách sạn tại Hà Nội vẫn chưa thể hoạt động hết công suất phòng.

Mặc dù công suất chưa tới 50%, nhưng giá thuê phòng khách sạn tại Hà Nội đang tăng nhanh, hiện bình quân là 2,2 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 30% so với năm ngoái. Theo báo cáo của Savills Việt Nam, so với quý II/2022, thời điểm Hà Nội tổ chức SEA Games 31, du khách đến Thủ đô đã giảm 7,5%, tương ứng với 5,2 triệu lượt khách. 

Doanh thu du lịch trong quý đạt 14.000 tỷ đồng, giảm 19% so với quý trước. Tuy nhiên, trong các ngày nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, đã có hơn 420.000 lượt khách đến Thủ đô. 

Trong quý, Hà Nội đón khoảng 481.000 lượt khách quốc tế, tăng 157% so với trước, cao hơn cả tổng khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2022. Dù vậy, con số này thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xuất hiện đại dịch COVID-19, với 1,9 triệu lượt khách. 

Giá tăng nhưng nhiều khách sạn Hà Nội vẫn ‘tối đèn’ - 1

Nhiều phòng khách sạn tại Hà Nội vẫn tối đèn. (Ảnh minh hoạ).

Cũng theo báo cáo của Savills, nhờ số lượng khách du lịch đang tăng trở lại, công suất đặt phòng khách sạn tại Hà Nội đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 1% so với quý trước và đạt mức bình quân 42%. Giá thuê phòng đạt 2,2 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 10% theo quý và tăng 30% so với năm ngoái. 

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, du lịch quốc tế đã được cải thiện, nhưng khách nội địa vẫn là động lực chính thúc đẩy nguồn cầu. Các thị trường chính vẫn đang có chính sách hạn chế đi lại. 

Ông Matthew Powell nhận định, du lịch quốc tế mới chỉ phục hồi nhẹ, và du khách trong nước đang thúc đẩy nguồn cầu. Trung Quốc, một trong những thị trường chính của Việt Nam, vẫn tiếp tục giới hạn đi lại và đóng cửa, điều này đang cản trở thị trường du lịch của Việt Nam.  

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), châu Á sẽ tụt lại phía sau về phục hồi du lịch quốc tế do chính sách giới hạn đi lại khắt khe hơn. Bất ổn về giá dầu, lạm phát và tỷ giá hối đoái cũng có thể cản trở du lịch”, ông Matthew Powell nói.

Ông Đỗ Quân, đại diện chuỗi khách sạn 3 sao trong khu vực phố cổ Hà Nội chia sẻ, số lượng du khách đã tăng trở lại nhưng so với mặt bằng chung trước dịch vẫn còn thấp, tỷ lệ lấp phòng mới chỉ đạt 50%. Bên cạnh đó, các khách sạn còn đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự phục vụ trong những đợt cao điểm. 

Sau dịch, nhiều người làm khách sạn đã chuyển sang công việc khác, và họ chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc. Do đó, chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân sự”, ông Quân nói. 

Cũng theo ông Quân, hiện đã qua thời điểm du lịch nội địa, có thể trong thời gian tới, số lượng du khách nội địa sẽ giảm so với các quý trước đó. Tuy nhiên, cuối năm lại là giai đoạn cao điểm của du lịch quốc tế, có thể trong thời gian tới, các khách sạn sẽ được hưởng lợi từ khách ngoại. 

Theo thông lệ, giai đoạn cuối năm là mùa du lịch quốc tế, nhất là khách các nước châu Âu, châu Mỹ sẽ tới Việt Nam rất nhiều. Dù vậy, trước những biến động của thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu, có thể lượng du khách tới Việt Nam sẽ thấp hơn kỳ vọng”, ông Quân chia sẻ thêm. 

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn