Khép lại tuần giao dịch, giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Giá đầu thế giới tiếp tục tăng
Theo dữ liệu trên Oilprice lúc 6h30 ngày 18/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 79,19 USD/thùng, tăng 1,49% (tương đương tăng 1,16 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 83,58 USD/thùng, tăng 0,74% (tương đương tăng 0,61 USD/thùng).
Giá dầu thô WTI tương lai ổn định ở mức 79,19 USD/thùng, giá dầu Brent ở mức 83,58 USD/thùng vào thứ Sáu, chạm mức cao nhất kể từ tháng 11 và sẵn sàng đánh dấu mức tăng trong tuần thứ hai liên tiếp.
Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã đẩy giá dầu leo dốc gần 1 USD ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Một lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình ở Ukraine vẫn chưa đạt được. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa các nhà trung gian Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có bất kỳ đột phá nào. Trên Biển Đỏ, lực lượng Houthi duy trì tấn công các tàu có quan hệ thương mại với Mỹ, Anh và Israel.
Giá dầu đã lao dốc hơn 1 USD ở phiên giao dịch tiếp theo sau báo cáo tồn kho dầu thô của Mỹ tăng vọt và mối đe dọa an ninh có thể xảy ra tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến nhu cầu sẽ giảm. 12 triệu thùng là con số tồn kho dầu của Mỹ trong tuần trước, gấp gần 5 lần so với kỳ vọng chỉ tăng 2,6 triệu thùng của các nhà phân tích.
Giá dầu đã tăng liên tiếp ở 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần sau dữ liệu bán lẻ của Mỹ thúc đẩy việc bán tháo đồng USD và căng thẳng gia tăng tại Trung Đông.
Theo Cục điều tra dân số, Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tại Mỹ đã giảm 0,8% trong tháng 1. Dữ liệu tháng 12 đã được điều chỉnh thấp hơn, theo đó, doanh số bán hàng tăng 0,4% thay vì 0,6%. Dữ liệu càng củng cố quan điểm Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Diễn biến ở Trung Đông cho thấy, căng thẳng địa chính trị ở khu vực này khó có thể hạ nhiệt.
Cũng trong tuần, các báo cáo từ Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 1 đã tăng 0,3%, cao hơn so với chỉ số 0,2% hồi tháng 12-2023. Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 1 tăng 0,3%, cao hơn dự kiến trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng mạnh.
Về dự báo nhu cầu dầu toàn cầu, OPEC cho biết nhu cầu dầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,85 triệu thùng/ngày năm 2025. Còn IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm xuống còn 1,22 triệu thùng/ngày, bằng khoảng một nửa mức tăng trưởng của năm ngoái, và thấp hơn so với dự báo trước đó là 1,24 triệu thùng/ngày.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18/2 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 15/2 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mốc 22.831 đồng/lít; xăng RON 95 lên mốc 23.919 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel lên mốc 21.361 đồng/lít; dầu hỏa lên mốc 21.221 đồng/lít. Dầu mazut trong phiên điều chỉnh lần này cũng điều chỉnh tăng, cụ thể, tăng lên mốc 15.906 đồng/kg.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước có sự thay đổi như trên do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: tâm lý lo ngại căng thẳng tại khu vực Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu, xung đột tại khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) duy trì dự đoán nhu cầu dầu tăng trong năm nay, sự sụt giảm công suất hoạt động của các nhà máy lọc hóa dầu tại Mỹ…
Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu thế chung là tăng.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Bình luận