• Zalo

GDP quý I/2018 cao nhất 10 năm: Quá ấn tượng, nhiều chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng

Kinh tếThứ Sáu, 30/03/2018 16:21:00 +07:00Google News

Giới chuyên gia đánh giá, chỉ số tăng trưởng GDP quý I năm 2018 đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua là tín hiệu vui, "ngạc nhiên và chưa thể giải thích hết được".

Chỉ số tăng trưởng GPD quý I vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm qua 29/3 là 7,38%, cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua.

A1

 Chỉ số tăng trưởng GDP quý I năm 2018 tăng ấn tượng.

Trong mức tăng GDP 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực Nông – Lâm – Thuỷ sản tăng 4,05%, khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 9,7%, khu vực Dịch vụ tăng 6,7%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) trong quý tăng 2,82%.

Nhiều đơn hàng lớn về xuất khẩu được ký trong đầu năm 2018 giúp kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Nhập khẩu ước đạt 32,54 tỷ USD, tăng 13,6%.

Luỹ kế thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 176,25 tỷ USD, trong đó vốn tăng thêm, đăng ký mới là 5,8 tỷ USD và thực hiện đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vẫn theo cơ quan thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới ba tháng qua cũng lên 26.800, cán mốc cao nhất trong vòng 7 năm.

Tín hiệu vui

Trả lời PV VTC News, Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - bày tỏ sự bất ngờ trước chỉ số tăng trưởng ấn tượng của quý vừa rồi.

A3

 Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh.

“Kết quả GDP tăng trưởng tới 7,38% khiến nhiều người ngạc nhiên chưa giải thích được đầy đủ. Dẫu sao tôi cho rằng đây là tín hiệu mừng.

Đáng chú ý, nếu các năm trước tăng trưởng thường chậm vào đầu năm và tăng nhanh vào cuối năm thì việc GDP tăng ngay từ những tháng đầu năm nay là tín hiệu tốt, giảm việc dồn tăng trưởng vào thời gian cuối năm”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội đánh giá: "Kết quả tăng trưởng cao của quý I năm nay là hội tụ của nhiều yếu tố, động lực thúc đẩy ở cả bên trong lẫn bên ngoài".

“Kinh tế thế giới đang phục hồi và tăng trưởng, dự báo sẽ hoạt động hết hoặc gần hết công suất. Xu hướng mở cửa và tự do vẫn tiếp tục dù có một số quan ngại. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, trao đổi thương mại tăng cường...

Trong nước, tiếp đà tăng trưởng của năm trước, môi trường đầu tư cải thiện, niềm tin kinh doanh được khẳng định. Thứ nữa, thời tiết khá thuận lợi, công nghiệp tăng, du lịch phát triển…Tổng vốn đầu tư, tổng giá trị luân chuyển hàng hóa đều tăng đáng kể”, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói.

Lực cản

Còn theo Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, chỉ số tăng trưởng quý đầu năm nay ấn tượng nhất so cùng kỳ trong 10 năm qua, song, nền kinh tế cũng đang đối mặt rất nhiều lực cản.

“Theo tôi, chúng ta không nên quá hứng khởi với con số GDP tăng hơn 7,3%, một tỉ lệ tăng GDP cao nhất trong vòng 10 năm nay.

Về số lượng, tăng trưởng cao thì tốt, nhưng tăng trưởng định lượng phải đi kèm với thực chất của tăng trưởng, có nghĩa là số người lao động phải gia tăng, lương phải tăng, an sinh xã hội phải tăng và môi trường phải được cải thiện”.

A4 3

 Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nền kinh tế còn nhiều lực cản cần vượt qua.

Vẫn theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, tỉ lệ tăng trưởng cao nhưng nhiều doanh nghiệp phá sản, lương công nhân thấp, giáo dục và y tế không cải thiện, môi trường bị phá hủy, thậm chí luân lý đạo đức xã hội suy trầm thì tỉ lệ tăng trưởng cao sẽ chỉ ở bề mặt, không thực chất.

“Trong việc tăng trưởng này phải phân tích xem ở phạm vi, lĩnh vực nào. Nếu chủ yếu nếu rơi vào lĩnh vực xuất khẩu mà phần lớn việc xuất khẩu là do các doanh nghiệp FDI thực hiện thì con số tăng trưởng không có lợi nhiều cho quốc gia.

Chỉ số tăng trưởng GDP 3 tháng đầu năm tuy diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng ổn định nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, như: Chính sách bảo hộ thương mại, áp đặt lệnh chống bán phá giá, tình hình Biển Đông, EU có “rút” thẻ vàng không…”, ông Hiếu trăn trở.

Động lực tăng trưởng

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá trong 2018 và cả những năm tới, động lực tăng trưởng quan trọng nhất vẫn là thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, đưa khu vực tư nhân lên vị trí hàng đầu.

A2 4

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng Chính phủ còn nhiều việc phải làm để duy trì tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, ông Phong cho rằng, động lực tăng trưởng vẫn sẽ tiếp tục được duy trì từ khu vực FDI.

Điểm quan trọng nữa là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang không ngừng tăng lên, niềm tin của nhà đầu tư ngoại vào thị trường cũng dần được khẳng định.

Hiện, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư cởi mở, kinh tế chính trị ổn định, giá nhân công rẻ, tận dụng được lợi ích từ các hiệp định thương mại đã ký kết…

Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo của Chính phủ hiện nay sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong những năm tới.

“Tôi mong Chính phủ tiếp tục cải cách cách mạnh mẽ hơn nữa để phát triển bền vững, xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt hơn”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Video: Bộ Công thương lên tiếng trước kết quả kiểm toán của Sabeco

Hoàng Hưng
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn