Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...
Phải từ bỏ kiểu làm ăn "chộp giật"
Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp trong nước còn loay hoay tại thị trường EU do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới. Do vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU - thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới - còn khiêm tốn.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại, hiểu biết về EVFTA của các doanh nghiệp Việt không nhiều. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích hợp với hiệp định này cũng khá hạn chế bởi khó khăn trong cải thiện điều kiện lao động, đầu tư vào công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu nội địa hóa…
Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó, EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ - cho rằng, muốn tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa hưởng lợi từ EVFTA, doanh nghiệp phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, lao động, xuất xứ, nguyên phụ liệu… Đặc biệt, trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, phải nỗ lực nhiều nhất do sản phẩm của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực sản xuất này chưa được người tiêu dùng EU biết đến, thậm chí chưa tạo được uy tín đáng kể.
Ngoài ra, để đưa được hàng vào EU thì các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua chính mình, từ bỏ thói quen làm ăn "chộp giật", thiếu liên kết, không vào các chuỗi..., ông Tô Hoài Nam lưu ý.
Sẽ có kẻ thắng, người thua
Chia sẻ trên báo quốc tế, TS. John Walsh - Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, EVFTA mang lại một số lợi ích rõ ràng. Người tiêu dùng sẽ đón nhận nhiều loại sản phẩm rẻ hơn do được miễn giảm thuế quan. Chất lượng cuộc sống nhờ đó mà được cải thiện, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu ở các khu vực thành thị. Một số sản phẩm được miễn giảm thuế quan là hàng hóa trung gian, sẽ được lắp ráp và tái xuất khẩu sau đó. Việt Nam đã tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng và chi phí giảm sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mới cho đất nước trong các chuỗi cung ứng đó.
Song, theo TS. John Walsh, về bản chất, các FTA thường không đối xứng. Dù các thỏa thuận này nhìn chung hứa hẹn rằng các bên sẽ cùng có lợi, nhưng điều đó không có nghĩa là lợi ích sẽ luôn được chia đều. Đồng thời, sẽ có nhiều thay đổi xảy ra và không phải mọi thay đổi này đều tốt cho các bên liên quan hay luôn được đón nhận một cách nhiệt tình. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải thay đổi và một số sẽ không thể tồn tại. Và điều không tránh khỏi là sẽ có người thắng và kẻ thua trong quá trình này.
Trước thách thức cạnh tranh với những doanh nghiệp có tiềm lực ở một thị trường rất khó tính như EU, TS. John Walsh nêu rõ: Sẽ có doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì sự dịch chuyển và xáo trộn mà các thay đổi diễn ra. Theo thông lệ kinh doanh, doanh nghiệp nên tìm các đối tác có chuyên môn để quản lý những phần khác nhau của hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang châu Âu, họ nên bắt tay với một đối tác châu Âu có chuyên môn về thị trường phân phối và bán lẻ địa phương.
Đối với những doanh nghiệp đang đối mặt với gia tăng cạnh tranh ở thị trường nội địa, một số sẽ tiếp tục cố gắng cạnh tranh hoàn toàn bằng chi phí thấp và sẽ có người thành công. Một số có thể tận dụng những lợi ích khác của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam như hiệu ứng lan tỏa về quản lý và công nghệ.
Người thắng thì đương nhiên là tốt. Nhưng đối với người có thể thua cuộc thì vai trò của Chính phủ là rất quan trọng, thông qua các biện pháp hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng, cũng như tạo ra cơ hội mới cho những ai có khả năng tận dụng chúng, TS. John Walsh nêu ý kiến.
Bình luận