Giải cứu thành công
Theo thực tế của PV VTC News ngày 11/2 tại huyện Châu Thành (tỉnh Long An), nơi được xem là thủ phủ trồng thanh long lớn thứ 2 nước ta (sau Bình Thuận), lượng thanh long chín tại đây không còn nhiều, chỉ lác đác một vài mẩu vườn nhỏ có quả chín.
Dọc các tuyến đường tại đây cũng không còn cảnh thanh long đã thu hoạch để ngay bên lề đường. Tại các cơ sở thu mua, công nhân phân loại, đóng gói thanh long vào thùng rất nhộn nhịp, đúng cảnh mùa thu hoạch chính vụ.
Theo các doanh nghiệp chuyên thu mua thanh long, hiện thanh long chín trên địa bàn tỉnh Long An không còn nhiều, hầu hết đã được thu mua. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng "đói" hàng.
Ông Hoàng Văn Hoàn - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần thương mại TMS Trading cho biết, trong ngày hôm nay, ông liên tục liên hệ các "mối" quen để nhập hàng với giá cao, nhưng tất cả đều báo không còn hàng.
"Từ sáng tới giờ, tôi gọi cho rất nhiều kho quen để nhập hàng nhưng đều về tay không. Tôi thu mua với giá lên đến 18.000 đồng/kg nhưng vẫn không mua được, thanh long tại vườn cũng không còn. Giờ phải đợi tới 20 ngày nữa, lứa mới chín thì mới có thể nhập hàng", ông Hoàn cho hay.
Như để chứng minh cho chúng tôi, ông Hoàn nhấc máy lên và gọi cho một kho chuyên thu mua thanh long tại đây, nhưng chỉ nói được vài câu đã phải tắt máy vì đầu dây báo không có hàng.
"Dự định của công ty chúng tôi là sẽ thu mua 50 container thanh long trong tháng này, nhưng giờ gần tới nửa tháng rồi nhưng chỉ mới mua được 11 container", ông Hoàn nói.
Được biết, ngày 7/2, sau thông tin nông dân đứng ngồi không yên do cửa khẩu ngưng thông quan dẫn đến hàng không có nơi xuất đi, hàng loạt doanh nghiệp trong nước đã chung tay thu mua giúp người dân.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Hồng Nguyên Long (Tập đoàn Lavifood), Công ty TNHH Nông sản Rạng Đông, Công ty Cổ phần Thủy Hoàng thu mua với giá 12.000 đồng/kg; siêu thị BigC thu mua với giá 10.200 đồng/kg.
Với giá thu mua này, nông dân đồng loạt bán ra cho doanh nghiệp để không bị lỗ vốn.
Về phía doanh nghiệp, ngoài nhiều đơn vị mua để làm nước ép đóng chai, trái cây sấy khô, thì những doanh nghiệp chấp nhận thu mua với giá trên sẽ tự tìm cách để xuất khẩu, đây được đánh giá là "canh bài may rủi" do phần trăm hàng không thể xuất đi là khá lớn.
Xuất hàng bằng đường biển
Theo các doanh nghiệp, trước tình hình các cửa khẩu đồng loạt tạm dừng thông quan, để tự ứng phó tình hình, họ phải xuất hàng đi bằng đường biển.
Ông Nguyễn Tất Quyền - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Rạng Đông cho biết, hiện tại công ty của ông đang chuyển hướng vận chuyển bằng đường biển, nơi đến vẫn là Trung Quốc.
"Nhiều container chở hàng của tôi từ mùng 5 Tết bị giữ lại tại cửa khẩu, mới được thông quan hôm trước nhưng cũng không khả thi. Do qua được cửa khẩu nhưng xe tiếp tục bị chôn chân bên Trung Quốc vì không có xe đến bốc hàng. Để ứng phó dịch, các tỉnh gần cửa khẩu bên đó đã cấm phương tiện di chuyển.
Giờ để giúp mình cũng như giúp dân, tôi tiếp tục thu mua, hiện lượng thanh long cần giải cứu cũng không còn nữa, vì đã được các doanh nghiệp như chúng tôi thu mua hết. Vấn đề bây giờ là xuất đi cách nào, đường bộ thì không khả thi lắm nên chúng tôi quyết định đi bằng đường biển. Việc kiểm dịch sẽ được thực hiện tại cảng Cát Lát (quận 2, TP.HCM), mọi công đoạn sẽ rối hơn một chút nhưng đi được còn hơn không", ông Quyền thông tin.
Tương tự ông Quyền, đó cũng là cách xuất hàng đi của ông Hoàn. Song, thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty ông Hoàn đa dạng hơn với nhiều nước như: Dubai, Nhật Bản, Ấn Độ...
"Nếu xuất hàng đi Ấn Độ, phải đi bằng đường biển. Hàng sẽ được chở từ Long An lên TP.HCM và được kiểm dịch tại cảng Cát Lát. Sau đó di chuyển xuống Vũng Tàu và di chuyển bằng đường biển, chuyển cảng tại Singapore.
Việc kiểm dịch đã được thực hiện ở Việt Nam, nên khi sang nước ngoài sẽ không phải kiểm dịch nữa mà chỉ cần trình chứng thư thì sẽ được thông quan.
Nhập đi Trung Quốc cũng y hình thức như vậy, chỉ có điều nhập đi Trung Quốc thì đường biển sẽ lâu hơn đường bộ 2 ngày. Sau khi cập bến ở Trung Quốc, các công ty mà mình hợp tác sẽ cho xe đến bốc hàng đi", ông Hoàn cho hay.
Từ trước tới giờ, các doanh nghiệp ít đi đường biển vì phải đóng thuế rất cao. Nếu đi đường bộ, ở Việt Nam là đi đường chính ngạch, sang đến Trung Quốc sẽ qua tiểu ngạch. Nhưng nếu đi đường biển thì 100% là chính ngạch. Do thuế đường biển cao, hàng mà người đưa đi bằng đường biển cũng sẽ cao hơn nên khó bán được hàng hơn.
Bình luận