• Zalo

Đừng 'nhử mồi' thưởng nữa, hãy để các cầu thủ U23 Việt Nam được yên!

Thời sựThứ Sáu, 26/01/2018 11:00:00 +07:00Google News

Đừng 'nhử mồi' thưởng kiểu trọc phú đu bám ăn theo tên tuổi lợi dụng PR nữa, hãy để các cầu thủ U23 Việt Nam được yên!

Đu bám ăn theo tên tuổi cầu thủ 

Chưa khi nào các tuyển thủ U23 Việt Nam lại được người hâm mộ trong và ngoài nước kỳ vọng và trở thành đề tài bàn luận sốt nóng như mấy ngày qua.

Thông tin khiến tôi xúc động nhất cho đến giờ này có lẽ là tuyên bố sẽ hủy chuyến đi Trung Quốc để trực tiếp dự khán trận chung kết, nơi con trai mình và các đồng đội sẽ thi đấu quyết tử trận cuối cùng của bố mẹ thủ môn Bùi Tiến Dũng và phụ huynh một số cầu thủ khác.

Họ không đi bởi sợ sự có mặt của mình sẽ tạo thêm áp lực không mong muốn, làm ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu của các con. Vậy là, vì kết quả trận đấu, những bậc làm bố, làm mẹ đã từ bỏ đi niềm vinh dự không phải ai cũng có được, chấp nhận hi sinh một chút bản thân để con mình và những đồng đội có được trạng thái tâm lý tốt nhất khi ra sân.

So với sự kỳ vọng, lòng mong mỏi của hơn 90 triệu người dân Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế, với họ, sự “hi sinh” ấy đâu có gì đáng kể?

27394417_1705466562850176_2040253053_n

Nhiều trang ăn theo có nội dung bất nhân, lợi dụng hình ảnh và nỗi đau của gia đình các cầu thủ để quảng cáo.

Tiếc rằng, không phải ai cũng có được những suy nghĩ tích cực ấy! Cùng với những tin vui, lên mạng đọc thông tin, chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy rất phẫn nộ trước những thông tin ăn theo cầu thủ U23 Việt Nam.

Nhiều trang tin đăng dày đặc các bài viết câu view, cố tình khai thác và bịa đặt về đời tư của các cầu thủ đang được dư luận yêu mến như thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền đạo Quang Hải, tiền vệ Xuân Trường...

Không ít trang tin, trang cá nhân còn cố tình tung những thông tin lập lờ, bóng gió về giới tính, chuyện đời tư của các danh thủ. Cá biệt, có những người còn tung những đoạn inbox được cho là của mình với các cầu thủ, với ý muốn khoe khoang, lợi dụng để đánh bóng bản thân.

Có ý kiến cho rằng, đây là “chiêu truyền thông” của một thương hiệu nào đó, được thực hiện bài bản bởi một “phù thủy” ẩn mình. Dù chưa biết thực hư thế nào, song có thể khẳng định rằng, nếu đây là chiến dịch truyền thông thật sự, thì nó quá lố bịch, kệch cỡm, phản tác dụng.

Sự "ăn theo" chưa dừng ở đó. Sự xuất hiện của hàng loạt các trang cá nhân giả danh, lấy tên và hình ảnh các tuyển thủ cũng gây ra những phiền toái không hề nhỏ cho các em.

Quang Hải, cầu thủ được cho là khá “kín tiếng”, hiện nay trên facebook thống kê sơ sơ cũng có đến trên 200 tài khoản mạo danh. Không biết mục đích của những người lập ra các trang ấy là gì, nhưng dù thế nào nó cũng là hành vi xâm phạm hình ảnh không thể chấp nhận, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và tâm lý của chủ nhân.

Quá mệt mỏi với các thông tin bịa đặt tràn lan, thủ môn Bùi Tiến Dũng phải đứng lên “xin” truyền thông hãy thông tin trung thực, đúng sự thật về bản thân mình và các đồng đội, mong các trang tin không xuyên tạc, loan tin sai làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và gia đình. Nghe lời cầu xin đó, những người có lương tri không khỏi bất bình, phẫn nộ và đau đớn hết sức. 

Kiểu treo thưởng lố bịch, trọc phú 

Cũng "ăn theo" sự kiện này, sự phản cảm của cách treo giải thưởng cho các cầu thủ khiến dư luận hết sức bất bình. Một ngân hàng đăng trên trang fanpage của mình thông tin sẽ trao thưởng hơn 2 tỷ đồng nếu đội U23 Việt Nam vô địch, doanh nghiệp bất động sản khác treo thưởng 2 tỷ đồng (cũng là nếu vô địch) khiến nhiều người đặt vấn đề: tại sao lại là "nếu". Nếu thực sự có tâm với đội tuyển, chắc chắn, các đơn vị này sẽ biết cách “treo giải” khách quan, hợp lý hơn.

27044948_1435254646596814_487582754_n

Hơn 90 triệu trái tim đang là điểm tựa cho các chàng trai phía sau lưng, tình cảm của người hâm mộ mới là phần thưởng cao quý nhất đối với các cầu thủ U23 Việt Nam. Ảnh: Tùng Lâm

Ví như ngoài việc treo giải cho ngôi vô địch, sẽ sẵn sàng đưa ra mức thưởng ngay cả khi đội ta chỉ giành vị trí á quân. Còn treo thưởng theo như cách làm kia, đó liệu có phải sự động viên, khích lệ, hay là sự đánh đố?

Rõ ràng, sự toan tính PR cho thương hiệu ở đây là có, không thể chối cãi. Nhưng mang danh dự của cả dân tộc đổi lấy mục đích quảng cáo thì e rằng, toan tính đó đã trở nên bất nhân và đi quá xa. Hơn 90 triệu trái tim đang là điểm tựa cho các chàng trai phía sau lưng, không phải một vài tỷ đồng hứa hẹn hão huyền, số tiền đó, quá nhỏ bé so với lòng yêu nước.

Treo thưởng không đúng cách có khi gây tâm lý không tốt, tổn thương lòng tự trọng của những người hết lòng vì nền bóng đá. Chẳng lẽ, nếu không có người treo mức tiền thưởng lên để "nhử", các em sẽ không đá hết mình, sẽ chơi không nhiệt huyết, dốc hết sức chiến đấu sao? Mặt trái của việc treo thưởng, chúng ta cũng chẳng lạ gì.

 
Mang danh dự của cả dân tộc đổi lấy mục đích quảng cáo thì e rằng, toan tính đó đã trở nên bất nhân và đi quá xa.

 

Cách đây chưa lâu, nhiều người hẳn còn nhớ, một lứa các cầu thủ tài năng của chúng ta cũng chỉ vì những món thưởng treo lơ lửng trên đầu mà đã bị phân tâm, rồi tính toán cho từng trận đấu. Sau đó một số cầu thủ thi đấu đúng là vì tiền, và sẵn sàng để đồng tiền chi phối.

Đã cống hiến, lăn xả, thi đấu kiên cường như những chiến binh quả cảm để có được chiến tích lẫy lừng này, tôi nghĩ giờ không phải là lúc mang “tiền” hoặc những giải thưởng giàu tính vật chất ra để đặt trước mặt các cầu thủ U23 Việt Nam.

Hơn ai hết, tôi tin rằng, với nhận thức và ý thức trách nhiệm cũng như bầu nhiệt huyết, sự chuyên nghiệp của mình, các em tự hiểu được mình đang đứng ở đâu trong lòng người hâm mộ nước nhà. Các em hiểu rằng mình đang có ai đứng sau và sẽ thi đấu vì ai.

Do đó, không cần phải đợi ai treo giải thưởng, các chiến binh quả cảm của chúng ta cũng vẫn sẽ thi đấu và cống hiến hết mình. Họ sẽ cháy như thể lần đầu tiên và cuối cùng được cháy. Họ chiến đấu vì danh dự đất nước, màu cờ sắc áo, vì vinh dự, niềm tự hào của đời cầu thủ. Họ sẽ bung hết những tinh hoa để chơi một trận “để đời” chứ không phải vì mấy cái giải thưởng người ta treo lên.

Các cụ vẫn dạy: Của cho không bằng cách cho. Có của, có tấm lòng để đem cho là tốt. Nhưng, phải biết cho đúng lúc, đúng chỗ. Không phải cứ thưởng là người ta vui vẻ nhận, thưởng cần có văn hoá, không nên dùng cách thưởng kiểu trọc phú, "nhử" người ta để làm PR lố bịch.

Những kẻ đang dựa hơi sự kiện mà PR trơ trẽn nên nhớ rằng, khi tiếng còi trọng tài cất lên và trái bóng bắt đầu lăn, trên sân cỏ chỉ còn một thứ duy nhất tồn tại, là tinh thần dân tộc quật cường, tuyệt đối không phải một thứ vật chất tầm thường nào khác.

Những chàng trai gánh vác lòng tự hào của cả dân tộc trên vai hiểu hơn ai hết, sau trận đấu ấy, dù thắng hay thua, cũng sẽ là những giọt nước mắt của hơn 90 triệu con người khi lá quốc kì Việt Nam được kéo lên. Đó là niềm kiêu hãnh không mua được bằng tiền.

Nếu muốn dựa vào sự kiện này để tranh thủ làm hình ảnh thì xin hãy nghĩ lại. Hãy để dịp khác, với đối tượng khác. Các cầu thủ của chúng ta đã bị vắt kiệt sức sau 5 trận "đại chiến". Nếu không chia sẻ, giúp đỡ được gì các em, thì cũng xin đừng "đeo bám" vào đó để làm lợi bất chính cho bản thân mình.

Hãy để các em tập trung sức để chơi một trận đấu có thể coi là lớn nhất của cuộc đời mình. Hãy để các em tiếp tục viết nên những điều kỳ diệu cho bóng đá nước nhà trên đấu trường châu lục. Hãy để người hâm mộ bóng đá Việt Nam được yên lòng chờ đợi giây phút vỡ òa của men say chiến thắng, được đắm chìm trong niềm hân hoan đã chờ đợi bấy lâu.

Muốn toan tính điều gì, xin hãy để sau trận chung kết, được không?!?

Video: Vì sao gia đình cầu thủ U23 không sang Trung Quốc dù được bao trọn gói?

Chiến Văn
Bình luận
vtcnews.vn