Các sân bay Quốc tế Dubai và Dubai World Central sẽ sớm được phủ xanh bởi hệ thống pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, đánh dấu bước tiến mới trong hành trình hướng tới ngành hàng không xanh.
Với mục tiêu phát triển bền vững, Dubai không ngừng nỗ lực trong việc ứng dụng năng lượng tái tạo. Mới đây, Công ty Sân bay Dubai công bố hợp tác với Công ty Phát triển Năng lượng Sạch Etihad (Etihad ESCO), một công ty con của DEWA, để triển khai dự án lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà lớn nhất thế giới tại các sân bay. Dự kiến hoàn thành vào năm 2026, dự án năng lượng sạch này sẽ lắp đặt 62.904 tấm pin năng lượng mặt trời tại Sân bay Quốc tế Dubai (DXB) và Dubai World Central (DWC).
Theo thông tin từ hãng thông tấn nhà nước WAM, hệ thống này sẽ tạo ra 60.346 MWh điện mỗi năm, giúp giảm thiểu 23.000 tấn khí thải CO2, tương đương với việc loại bỏ lượng khí thải của 5.000 ô tô hoặc cung cấp điện cho 3.000 hộ gia đình trong một năm.
Dự án này được kỳ vọng sẽ cung cấp 6,5% nhu cầu năng lượng của DXB và 20% của DWC, góp phần hiện thực hóa cam kết của Công ty Sân bay Dubai về hoạt động sạch hơn, thông minh hơn và bền vững hơn.
Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Sân bay Dubai, ông Paul Griffiths, chia sẻ: "Với chúng tôi, đây không chỉ là việc lắp đặt các tấm pin mặt trời mà còn là việc đưa tính bền vững vào cốt lõi của mọi hoạt động. Mỗi kilowatt chúng tôi tạo ra từ các nguồn tái tạo đều giúp chúng tôi tiến gần hơn đến việc thu hẹp lượng khí thải carbon và đảm bảo hoạt động trong tương lai. Điều này là thiết lập tiêu chuẩn và dẫn đường cho những gì mà một sân bay thực sự bền vững có thể đạt được".
Đây là dự án tiếp nối thành công của việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại Nhà ga số 2 và Sảnh D của DXB, nơi năng lượng mặt trời đã góp phần giảm mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải đáng kể.
Ông Saeed Mohammed Al Tayer, Phó Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Tối cao Dubai kiêm Giám đốc điều hành DEWA, nhấn mạnh, dù lộ trình đã đặt mục tiêu đạt 25% tổng lượng điện từ năng lượng sạch vào năm 2030 và 100% vào năm 2050, nhưng những nỗ lực đang được đẩy nhanh hơn. Ông kỳ vọng công suất năng lượng sạch có thể đạt 27% vào năm 2030.
Dự án này là minh chứng cho cam kết của Dubai trong việc xây dựng hệ sinh thái tích hợp, phù hợp với tầm nhìn của thành phố về một tương lai xanh hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Bên cạnh việc mở rộng quy mô sử dụng năng lượng mặt trời, Dubai còn triển khai nhiều sáng kiến chuyển đổi như Shams Dubai nhằm giảm nhu cầu năng lượng và thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp năng lượng bền vững trên toàn thành phố.
Tiến sĩ Waleed Alnuaimi, CEO của Etihad ESCO, cho biết: "Dự án này, cùng với những dự án tương tự khác, thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng hệ sinh thái tích hợp, phù hợp với tầm nhìn của Dubai về một tương lai xanh hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn". Được thành lập vào năm 2013, Etihad ESCO là công ty con của DEWA, với mục tiêu biến môi trường xây dựng của Dubai trở thành hình mẫu hàng đầu về hiệu quả năng lượng trong khu vực.
Dự án lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà tại hai sân bay lớn của Dubai là bước tiến quan trọng, khẳng định vị thế tiên phong của Dubai trong việc ứng dụng công nghệ xanh, hướng tới một tương lai bền vững cho ngành hàng không.
Bình luận