TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia nêu, việc điểm chuẩn đẩy tăng vọt là do đề thi tốt nghiệp THPT phân hoá không tốt, không phân loại được thí sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình.
Đặc biệt từ năm 2020, sau khi Bộ GD&ĐT đổi tên từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi không còn thể hiện rõ mục tiêu 2 trong 1 (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học). Gần đây, kỳ thi chỉ đáp ứng được mục tiêu phục vụ xét tốt nghiệp và phần nào không đảm bảo việc xét tuyển đại học. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT, các trường đại học lên phương án nghiên cứu và thay đổi mô hình kỳ thi như hiện nay để đánh giá đúng thực chất, thực học và đúng năng lực của học sinh phổ thông.
Nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thi tuyển đại học và thi tốt nghiệp THPT là hai kỳ thi khác nhau với mục đích khác nhau, việc tổ chức một kỳ thi mà sử dụng cho hai mục đích như hiện nay không còn phù hợp.
Thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích kiểm tra năng lực học sinh và chất lượng dạy học theo chương trình phổ thông. Trong khi đó, thi tuyển đại học là chọn lọc, so sánh năng lực giữa các thí sinh phù hợp với từng phân khúc trường nên độ phân loại cao hơn với thi THPT. Nếu kết hợp 2 kỳ thi này với nhau sẽ rất khó để đánh giá đúng thực chất học sinh. Điều này đã được chứng mình rất rõ ở mùa tuyển sinh năm 2021, lạm phát điểm chuẩn ở các trường đại học đến mức bất thường.
Bộ GD&ĐT từ lâu đã biết điều này, nên quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp, giao quyền chủ động cho các địa phương nhiều hơn. Còn việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh đại học là quyền tự chủ của các trường đại học.
"Dù nói rằng không còn kỳ thi 2 trong 1, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện vẫn mang tính 'bình mới rượu cũ', vương vấn nhiều cái cũ. Lỗi do cả Bộ GD&ĐT và các trường đại học. Bộ GD&ĐT ra đề thi, tổ chức thi vẫn là tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, nhưng các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển thì dùng sai mục đích", TS Đào Trọng Thi thẳng thắn nêu quan điểm.
TS Thi đề xuất, trước hết cần xác định mục đích của kỳ thi là gì, khi chưa xác định được mục đích thì rất khó xác định được phương thức tổ chức ra sao.
"Theo quan điểm của tôi, để xét tuyển đại học, tương lai cần xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, đánh giá khách quan, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng các bộ đề thi chuẩn hóa, giao cho các trung tâm sử dụng trong kỳ thi. Các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh", ông nhấn mạnh.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông cho rằng vẫn nên duy trì và giao cho các địa phương tổ chức như hiện nay. Bởi, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp có thể đánh giá được chất lượng học sinh giữa các địa phương, các cơ sở giáo dục khác nhau.
Đồng thời, điểm thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để đối sánh với điểm học bạ, từ đó phát hiện tiêu cực hay không trong quá trình cho điểm học bạ. Một số nơi, một số trường vẫn còn hiện tượng xin điểm, chạy điểm, làm đẹp học bạ. Nếu đề thi được chuẩn hóa, điểm thi phản ánh đúng năng lực của học sinh thì sẽ nhìn thấy những bất cập trong việc cho điểm thường xuyên tại các trường.
Đề thi tốt nghiệp THPT cũng nên nhẹ nhàng, phù hợp với mục đích của kỳ thi, không quá khó cũng không quá dễ, học sinh trung bình phải đạt được mức điểm trung bình, như vậy kỳ thi mới đạt yêu cầu. Thi tốt nghiệp THPT là một biện pháp để giám sát quá trình học tập của học sinh, do đó tôi cho rằng, không nên bỏ hẳn kỳ thi này trong bối cảnh hiện nay, ông chia sẻ.
Đổi mới đề thi để sàng lọc thí sinh
Đồng quan điểm, TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, nên tách bạch hai kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích quá khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh đại học lại mang tính chuyên sâu nên không thể dùng 1 kết quả để đạt được 2 mục tiêu như những năm vừa qua.
Hiện kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở giáo dục đại học hay bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là hướng đi đúng đắn để chọn được sinh viên vào học phù hợp.
“Nếu tháo khoán cho các trường tổ chức kỳ thi sẽ dẫn đến tình trạng giống như trước đây là “3 chung”, nhà nhà tổ chức luyện thi, trường nào cũng tổ chức thi. Vì vậy, cần sự định hướng của Nhà nước để không có quá nhiều kỳ thi. Chỉ cần 4 đến 5 bài thi nhưng đủ đa dạng đáp ứng yêu cầu khác nhau của các trường”, ông Phương nêu quan điểm.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh lại kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng trước sàng lọc những thí sinh khá, giỏi, xuất sắc để các trường có căn cứ xét tuyển. Cùng với đó, Bộ cần xây dựng các trung tâm khảo thí để 3 đến 4 năm tới đại trà hóa các bài thi, khuyến khích nhóm các trường đại học sử dụng các kỳ thi phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo, tách bạch hai kỳ thi tuyển đại học và thi tốt nghiệp THPT.
Ông cho rằng, các trường đại học top giữa của Việt Nam đang tối đa hóa các hình thức tuyển sinh để thu hút thí sinh. Vì vậy, điều chỉnh bài thi tốt nghiệp THPT là để giảm áp lực tuyển sinh cho các trường top trên.
Ngày 28/9, Bộ GD&ĐT gửi công văn đề nghị các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025 mới, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Bình luận